Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Quyền được sinh con của người nhiễm HIV

28/01/2021 04:11    254

BSCKI. Phạm Văn Long, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi tư vấn cho nữ bệnh nhân HIV về vấn đề mang thai và sinh con.

Được làm cha mẹ là mong ước của tất cả mọi gia đình, là sự trọn vẹn của một cuộc hôn nhân hạnh phúc, kể cả với những người nhiễm HIV/AIDS. Trong thực tế, có những đứa trẻ vừa được sinh ra đã mang căn bệnh thế kỷ HIV/ AIDS. Chính vì vậy nhiều người nhiễm HIV không dám sinh con phần vì họ lo sợ đứa trẻ sẽ mắc bệnh, phần vì định kiến của xã hội. Ngày nay, khi khoa học ngày càng tiến bộ, vấn đề bố hoặc mẹ hay cả 2 người cùng nhiễm HIV vẫn có thể sinh con khỏe mạnh là điều không còn hiếm gặp. Và theo Luật Phòng chống HIV thì người nhiễm HIV/AIDS có quyền được sinh con nhưng phải tuân thủ điều trị và dưới sự hỗ trợ của y tế.

Hiện nay, căn bệnh HIV/ AIDS thực sự là mối hiểm họa trên toàn thế giới. Ngành Y tế cũng như toàn xã hội đang ra sức ngăn chặn và hạn chế tốc độ lây lan của HIV/ AIDS bằng nhiều hình thức, nhiều phương pháp và những chiến lược hoạt động. Trong đó, công tác phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là hoạt động có tầm quan trọng đặc biệt trong việc phòng chống HIV- AIDS. Nhằm khuyến khích phụ nữ mang thai tham gia xét nghiệm dự phòng lây nhiễm. Từ tháng 9-2009, chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được triển khai trên toàn quốc .

Nói về quyền được sinh con của người nhiễm HIV/AIDS, Bác sỹ Phạm Văn Long, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “ theo Quyết định số 5418 ngày 11/12/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS thì tất cả phụ nữ nhiễm HIV mang thai đều có chỉ định điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con càng sớm càng tốt. Tại điều số 35 Luật Phòng chống nhiễm virut gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người( HIV/AIDS) năm 2006 nêu rõ: Phụ nữ nhiễm HIV được tạo điều kiện tiếp cận các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, cho con bú được tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS. Cơ sở y tế có trách nhiệm theo dõi, điều trị và thực hiện các biện pháp nhằm giảm sự lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể việc chăm sóc và điều trị đối với phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, người mẹ nhiễm HIV khi sinh con và các biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con”.

Với những quyền lợi này, nếu phụ nữ mang thai biết mình bị nhiễm HIV hoặc phụ nữ nhiễm HIV muốn mang thai và muốn sinh con đều cần được tư vấn và cần tuân thủ tốt việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Trẻ nhiễm HIV là nỗi bất hạnh tột cùng của chính bản thân các em, là niềm dây dứt của những bậc làm cha mẹ, là nỗi đau của gia đình, là gánh nặng và mất mát của toàn xã hội. Trẻ em chỉ có thể bị nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ trong quá trình mang thai, sinh nở và cho con bú. 

 Tại Quảng Ngãi, xét nghiệm phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã và đang được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai. Phụ nữ mang thai trong tỉnh được khuyến khích tự nguyện xét nghiệm HIV, được cung cấp các dịch vụ và chăm sóc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con khi cần thiết. Tính đến tháng 6 năm 2020, tổng số bệnh nhân HIV/AIDS do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật quản lý là 336 bệnh nhân trong đó 149 bệnh nhân nữ, 16 trẻ em.

 Những năm gần đây, nhận thức của phần đông phụ nữ về cách tự chăm sóc và bảo vệ đứa con của mình trong thời kỳ mang thai đã được nâng lên đáng kể.

Một bệnh nhân HIV/AIDS đã sinh con khỏe mạnh chia sẻ: “Tôi luôn ao ước có một đứa con nhưng không dám vì bản thân mắc HIV. Tôi sợ lây cho con, sợ mọi người lên án vì đã mắc bệnh còn sinh con. Tôi cứ nghĩ rằng mình không có quyền sinh con, không được xã hội chấp nhận cho đến khi được các bác sỹ tư vấn, giải thích cho hiểu rõ. Và tôi đã mang thai, tôi tuân thủ điều trị từ khi mang thai cho đến khi sinh con, và không cho con bú mẹ. Cho đến giờ con tôi đã 18 tháng với ba lần xét nghiệm âm tính với HIV”

Phụ nữ có thai cần xét nghiệm trong thời gian mang thai để biết được mình có bị nhiễm HIV hay không. Nếu có thì cần dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Việc uống thuốc dự phòng lây nhiễm bắt đầu từ tuần thứ 14 của thai kỳ. Nếu được phát hiện sớm và điều trị dự phòng thì kết quả phòng lây nhiễm từ mẹ sang con là rất cao.

Theo các chuyên gia, HIV có thể truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai (25%), trong lúc chuyển dạ đẻ (50%) và qua sữa mẹ (25%) nếu nuôi con bằng sữa mẹ.Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể giảm xuống còn từ 2-5% nếu thai phụ và con của họ được sử dụng thuốc ARV thích hợp trong thời kỳ mang thai, trong và sau khi đẻ, nhận được các dịch vụ chăm sóc sản khoa an toàn và nuôi con bằng sữa ăn thay thế”. Bác sỹ Phạm Văn Long cho biết thêm.

Nhiễm HIV không phải là tội hay tệ nạn xã hội xấu xa đáng bị xã hội ruồng bỏ mà chỉ đơn thuần là một căn bệnh cho đến nay khoa học chưa tìm ra thuốc chữa trị. Kết quả xét nghiệm dương tính chỉ có nghĩa là bạn đang có HIV trong máu. Thực tế cho thấy nhiều người nhiễm HIV vẫn sống hoàn toàn bình thường khỏe mạnh trong nhiều năm và bạn hoàn toàn có quyền được hy vọng rằng trong thời gian đó khoa học sẽ phát triển và sẽ tìm ra thuốc chữa.

Xét nghiệm, dự phòng sớm việc chẩn đoán tình hình sức khỏe cũng như khả năng nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai rất quan trọng đối với công tác bảo vệ thế hệ tương lai.

Tuy nhiên dù biện pháp can thiệp trong phòng tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con khá hiệu quả, nhưng các cặp vợ chồng nhiễm HIV cũng nên suy tính kỹ trước khi mang thai. Chưa kể quá trình mang thai, sinh nở khiến sức khỏe người mẹ giảm sút nhiều, sức đề kháng suy giảm, nguy cơ chuyển từ HIV sang AIDS nhanh chóng hơn.

 Một bà mẹ nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra đứa con khỏe mạnh. Việc tư vấn, xét nghiệm chẩn đoán, chăm sóc và điều trị kịp thời sẽ giúp làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bà mẹ mang thai nên hỏi bác sĩ để được xét nghiệm tầm soát HIV trong những lần khám thai định kỳ. Nếu nhiễm HIV, bà mẹ hãy tự nguyện điều trị dự phòng càng sớm càng tốt vì sức khỏe và tương lai của đứa con thân yêu./.

Kim Liên