Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng sau bão lụt

13/11/2020 11:38    147

Trong những ngày qua, tại tỉnh Quảng Ngãi mưa, bão gây ngập lụt nhiều nơi. Môi trường bị ô nhiễm, gia súc, gia cầm, thủy sản chết dẫn đến thực phẩm tươi sống khan hiếm. Rau, quả nhiều nơi mất trắng, lương thực bị ngập, thực phẩm bị ẩm mốc… chúng ta đang phải đối mặt với những nguy cơ dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, một chế độ ăn uống khoa học, dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng để bạn luôn khỏe mạnh phòng chống bệnh tật vượt qua mùa mưa bão.

Sau khi mưa, bão thường xảy ra tình trạng khan hiếm thực phẩm trên thị trường. Người tiêu dùng nên chọn mua những loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và đảm bảo an toàn: rau, củ, quả tươi không bị dập nát, không có màu sắc và mùi vị lạ. Đối với các sản phẩm tươi sống như cá, thịt, hải sản cần chọn loại còn tươi. Với sản phẩm trứng chọn quả có vỏ màu sáng, không có vệt đen, không bị dập, quả trứng có màu hồng trong suốt khi soi qua ánh sáng. Các thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn phải có nhãn mác đầy đủ, lưu ý hạn sử dụng, không sử dụng các thực phẩm khô đã bị ẩm, mốc.

Bác sĩ Cao Thị Huyền Trang, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh  Quảng Ngãi cho biết: “mỗi gia đình cần chú ý thực hiện vệ sinh khi ăn, uống. Ăn chín, uống sôi: tất cả các đồ ăn, thức uống phải đun sôi trước khi ăn uống. Dùng nước sạch để uống và chế biến thức ăn, nước phải trong, không màu, không mùi, không vị lạ, nếu nguồn nước có nghi ngờ nên đề nghị cơ quan y tế kiểm tra. Sử dụng các dụng cụ nấu nướng bằng nguyên liệu thích hợp đã được ngành y tế cho phép, rửa sạch dụng cụ sau khi chế biến thức ăn. Bát, đĩa phải được rửa sạch ngay sau khi ăn xong và úp vào chạn ăn có giá đỡ khô ráo, tránh bụi bẩn, côn trùng bò vào. Thực phẩm sống, chín riêng biệt không cho tiếp xúc gần nhau. Thực phẩm không sử dụng, thức ăn còn thừa cho vào bao rác để được thu gom đúng quy định. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Bảo quản thật kỹ thức ăn đã chế biến, không để côn trùng, động vật gây bệnh và ruồi, nhặng xâm nhập vào”.

          Thông thường vì mưa, bão xảy ra nên chúng ta mua quá nhiều thực phẩm, sau đó tích trữ vào tủ lạnh, điều này khiến cho các thực phẩm hao hụt các chất dinh dưỡng và các vitamin. Chúng ta chỉ nên dự trữ vừa đủ, không để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh. Mua thêm các thức ăn tươi để bổ sung cho bữa ăn hàng ngày, có bày bán tại các siêu thị... Nhiều nghiên cứu cho thấy thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng.

Bác sĩ Cao Thị Huyền Trang, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh  Quảng Ngãi khuyến cáo: “hàng ngày, đảm bảo ăn đủ bữa, ăn nhiều loại thực phẩm, ưu tiên các thực phẩm được sản xuất tại chỗ. Gia đình có trẻ đang bú mẹ hoặc trẻ nhỏ dưới 5 tuổi cần được tạm trú ở những địa điểm an toàn để trẻ được tiếp tục bú mẹ và nhận hỗ trợ về nuôi dưỡng nếu cần. Duy trì thực hành nuôi con bằng sữa mẹ: bú mẹ sớm trong 1h đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Với trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, đặc biệt lưu ý đến các điều kiện vệ sinh khi nuôi ăn bằng sữa công thức. Tìm kiếm, lựa chọn các thực phẩm an toàn và phù hợp cho việc ăn bổ sung của trẻ 6 đến 24 tháng cùng với các điều kiện để có thể chuẩn bị bữa ăn an toàn. Đảm bảo trẻ ăn đủ số lượng, đủ số lần theo độ tuổi của trẻ và đa dạng thực phẩm. Liên hệ với cán bộ y tế để được bổ sung các vi chất dinh dưỡng (đa vi chất, vitamin A) cho các đối tượng bà mẹ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi, người cao tuổi. Liên hệ với cán bộ y tế để được phát hiện sớm và điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính bằng sản phẩm điều trị hoặc hướng dẫn chế độ ăn. Với người đang mắc các bệnh mạn tính không lây, cần duy trì thuốc điều trị và chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Ăn đủ bữa và kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Sử dụng tối ưu tất cả nguồn nước và các phương tiện vệ sinh được cấp và thực hành vệ sinh an toàn. Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau bão lũ: Thực hiện 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý. Thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ theo khuyến nghị”.

Ngoài ra, để chủ động phòng tránh dịch bệnh trong mùa mưa, bão người dân cần dọn dẹp rác thải, xác động vật chết chôn lấp theo quy định, nạo vét, khơi thông cống rãnh san lấp các vùng nước đọng, bảo đảm vệ sinh môi trường. Sau khi nước rút tổng vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà, ngoài ngõ, cào quét bùn đất và phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi. Lau rửa sạch sàn nhà, quét dọn lau chùi nhà cửa, thay rửa bể nước, chum vại đựng nước… ./.

Minh Hiền