Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Điều trị vi khuẩn HP để phòng biến chứng viêm loét dạ dày

30/09/2020 22:53    185

Theo thống kê của Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam, hiện nay có khoảng 26% dân số nước ta mắc bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, trong đó có 10% bị bệnh mạn tính. Viêm dạ dày không phải bệnh nan y nhưng rất khó chữa khỏi. Nếu không điều trị sớm và dứt điểm có thể gây những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị, thậm chí có thể gây ung thư dạ dày. 80% nguyên nhân viêm dạ dày là do vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Vì vậy việc điều trị dứt điểm vi khuẩn HP giữ vai trò quan trọng trong phòng bệnh viêm dạ dày cũng như những biến chứng của nó.

Viêm loét dạ dày là một nhóm bệnh có tổn thương niêm mạc dạ dày biểu hiện bởi sự hư hoại của lớp tế bào biểu mô kèm theo hiện tượng viêm. Người bệnh thường phải đối mặt với những cơn đau âm ỉ vô cùng khó chịu nhất là sau ăn quá no hoặc quá đói.

        Trước đây, nguyên nhân gây ra bệnh viêm loét dạ dày được xem xét ở các yếu tố như thói quen ăn uống, tâm lý căng thẳng, tác dụng phụ của một số loại thuốc… Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện nay, đó không phải là nguyên nhân chính mà vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân gây viêm loét dạ dày. Vi khuẩn HP đi vào dạ dày qua đường ăn uống, sau đó theo phân người bệnh thải ra ngoài môi trường. Sau khi xâm nhập vào lớp niêm mạc dạ dày, vi khuẩn HP tiết ra các men và độc tố tế bào, làm tổn thương lớp niêm mạc dạ dày, gây viêm loét.  Việc phát hiện sớm vi khuẩn HP là rất cần thiết.

Bác sỹ Phạm Ngọc Doanh, Trưởng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết:“Tỷ lệ nhiễm HP rất cao trong dân số tuy nhiên hội khoa học tiêu hóa cho biết ko cần thiết kiểm tra HP toàn bộ như kiểm tra sức khoẻ. Một số đối tượng cần kiểm tra HP như những người có rối loạn tiêu hóa, hay đau dạ dày dai dẳng. Những người có cha mẹ, anh chị ruột có tiền sử ung thư dạ dày, những người bị loét dạ dày. Ngoài ra một số bệnh khác có liên quan tới HP như bệnh nhân thiếu máu mãn tính ko tìm được nguyên nhân. Mục đích điều trị HP là trước hết làm lành tổn thương dạ dày, loét da dày và quan trọng là phòng diễn tiến ung thư dạ dày”.

Khi được chẩn đoán viêm loét dạ dày do HP, người bệnh cần chú ý thực hiện những thói quen ăn uống có lợi như: nên nhai kĩ khi ăn vì trong khi nhai có thể tăng thêm sự bài tiết của nước bọt, có tác dụng giảm axít, bão hòa axít có trong dạ dày; ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm và dễ tiêu hóa; không ăn thức ăn cứng, thô ráp; tránh những thức ăn kích thích niêm mạc dạ dày như: cà phê, trà đặc, rượu mạnh, các thức ăn cay, hay những thức ăn có vị chua. Người bị bệnh viêm loét dạ dày cần bỏ thuốc lá. Không tự ý dùng thuốc đặc biệt là các thuốc có tác dụng giảm đau… Đồng thời, cần tăng cường vận động, hạn chế căng thẳng. Khi bị viêm dạ dày do vi khuẩn HP thì phải điều trị “sạch” vi khuẩn này.   

Bác sỹ Phạm Ngọc Doanh cho biết thêm: Về cộng đồng thì cải thiện các điều kiện vệ sinh, điều kiện dinh dưỡng, điều trị tiệt trừ Hp. Nhiều nghiên cứu thấy tỷ lệ nhiễm Hp trong cộng đồng phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện vệ sinh. Ở những nơi điều kiện vệ sinh thấp kém thì tỷ lệ nhiễm Hp càng cao vì vậy phải cải thiện điều kiện dinh dưỡng, vệ sinh môi trường. Khi đã nhiễm vi khuẩn Hp, đã viêm dạ dày mạn tính, để phòng những biến chứng của nó cần phải điều trị diệt trừ vi khuẩn Hp.

          Thực hiện vệ sinh cá nhân, ăn chín uống nước đã được đun sôi, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Khi có bệnh phải tuân thủ điều trị.

          Viêm loét dạ dày, đặc biệt là viêm loét dạ dày mạn tính thường không có biểu hiện rõ ràng. Vì vậy, những người có biểu hiện: đầy hơi, ợ chua, ăn uống khó tiêu, tức, đau vùng thượng vị khi đói… cần nghĩ tới bệnh của dạ dày và đến khám ở cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh cũng như có hướng điều trị kịp thời./.

   

Kim Liên

Tài liệu đính kèm: Nội soi dạ dày là biện pháp hiệu quả giúp phát hiện vi khuẩn dạ dày.jpg