Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Chú ý nâng cao sức đề kháng cho phụ nữ mang thai trong mùa dịch Covid-19

16/08/2020 06:15    177

Ảnh minh hoạ

Khi người phụ nữ mang thai cần có chế độ chăm sóc đặc biệt không chỉ vì sức khỏe của chính mình mà cho cả sự phát triển toàn diện của thai nhi. Sức khỏe và khả năng đề kháng bảo vệ người mẹ khỏi bị virus, vi khuẩn… gây bệnh. Điều đó có nghĩa là trong suốt quá trình mang thai người mẹ phải chú ý chế độ ăn uống, bồi dưỡng sao cho đáp ứng đầy đủ với sự phát triển của bào thai; nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang lây lan trên toàn cầu, phụ nữ mang thai là đối tượng rất dễ mắc bệnh, các mẹ bầu hãy chú trọng chăm sóc sức khỏe nhằm nâng cao sức đề kháng phòng chống dịch bệnh.

Trong quá trình mang thai sức khỏe và khả năng đề kháng của người mẹ giảm, nên dễ bị nhiễm trùng, bị cúm và dễ lây bệnh hơn so với những chị em phụ nữ bình thường. Ngoài sự thay đổi về nồng độ nội tiết tố nữ, các nhà khoa học đưa ra là: sức đề kháng của người mẹ phải kìm nén trong thai kỳ để ngăn không cho cơ thể từ chối thai nhi. Vì vậy, người mẹ phải tăng cường sức đề kháng để chăm sóc con yêu từ khi còn là phôi thai.

Bác sĩ Cao Thị Huyền Trang, Trưởng Khoa dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh: “Trong tất cả các giai đoạn mang thai của người mẹ, chế độ dinh dưỡng của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng sức khỏe của người mẹ, sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Ba tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn hình thành các cơ quan quan trọng như tủy sống, tim, gan, phổi của thai nhi, tạo tiền đề cho sự phát triển của thai nhi trong 6 tháng tiếp theo. Nhiễm virus và các rối loạn ảnh hưởng đến thai nhi trong giai đoạn này có thể gây ra những bất thường nặng nề cho thai nhi như dị tật thai nhi, thậm chí có thể gây sảy thai. Ba tháng giữa của thai kỳ là giai đoạn phát triển về khung xương, chiều cao của trẻ nên chế độ ăn của người mẹ phải đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng cho sự phát triển về xương của bé. Giai đoạn ba tháng cuối của thai kỳ là giai đoạn tốc độ phát triển cân nặng thai nhi nhanh nhất. Vì vậy chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân cần đảm bảo đầy đủ, đang dạng đáp ứng nhu cầu của thai nhi”.

Thời kỳ trong bào thai, dinh dưỡng của bé phụ thuộc vào dinh dưỡng của mẹ. Nguồn dinh dưỡng từ mẹ sẽ theo máu qua nhau thai đến cung cấp cho con. Chính vì vậy, dinh dưỡng đúng và đủ trong thời kỳ mang thai rất quan trọng là “lá chắn” mang tên “sức đề kháng” giúp mẹ tránh mắc bệnh, đủ sức để sinh con, mau hồi phục sức khỏe sau sinh, có đủ sữa cho con bú. Do đó, khi đã mang thai chị em phụ nữ cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn, uống một cách đầy đủ các chất dinh dưỡng và khoa học để nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19 thì càng phải lưu tâm hơn nữa.

Bác sĩ Cao Thị Huyền Trang, Trưởng Khoa dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo: “Ba tháng đầu của thai kỳ khẩu phần ăn tương tự như khi chưa mang thai, cần đa dạng, cân đối và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cần chia nhỏ bữa ăn và tránh các mùi vị gắt để giảm cảm giác nghén. Nên chú trọng các thực phẩm giàu acid folic như gan, thịt gia cầm, ngũ cốc, rau xanh, đậu nành, cà chua, cam…để tránh dị tật ống thần kinh do thiếu acid folic. Ba tháng giữa thai kỳ ưu tiên sử dụng nhiều thực phẩm chứa nhiều canxi, kẽm như tôm, cua, trứng, sữa và các thủy sản, mức năng lượng khuyến nghị hàng ngày tăng thêm 250 kcal/1ngày (so với nhu cầu bình thường hàng ngày) tương đương với khoảng 1 chén cơm và thức ăn hợp lý. Ba tháng cuối thai kỳ năng lượng khẩu phần tăng thêm khoảng từ 400-450 kcal/1ngày tương đương với 2 chén cơm và thức ăn hợp lý, bổ sung thêm viên sắt/ acid folic hoặc viên đa vi chất theo chỉ định”.

Ngoài việc chăm sóc cho mình có một cơ thể khỏe mạnh, mẹ bầu cần thực hiện công tác vệ sinh phòng bệnh hàng ngày để phòng chống dịch Covid-19: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; tránh nơi tập trung đông người nếu không cần thiết, trong trường hợp thật sự cần thiết mới đi ra ngoài và phải đeo khẩu trang; giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa, bề mặt các bề vật bằng chất tẩy rửa. Bữa ăn hàng ngày phải đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý: tinh bột, béo, thịt, vitamin và muối khoáng, ăn nhiều rau xanh, củ, trái cây, ăn chín, uống sôi. Tập thể dục nhẹ nhàng, giữ tinh thần lạc quan, thư giãn. Ngủ đủ giấc 8 tiếng/1ngày, ngủ trưa 30 phút đến 1 giờ. Không nên làm việc quá sức, giữ môi trường sống trong lành, thoáng đãng, tránh khói thuốc lá, bụi bẩn./.

Minh Hiền