Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Cách sơ cứu khi trẻ em bị đuối nước

17/07/2020 12:36    169

Hướng dẫn tập bơi cho trẻ

Mùa hè thời tiết nóng bức, oi ả, bơi lội là sở thích của nhiều em nhỏ. Không chỉ đến các bể bơi, nhiều em còn tìm đến biển, ao, hồ, sông, suối để bơi và đã có rất nhiều trường hợp bị đuối nước rất thương tâm - đó là nỗi lo của mỗi gia đình và cộng đồng. Khi bị đuối nước, nếu trẻ được sơ cứu kịp thời, tích cực và đúng phương pháp sẽ có khả năng được cứu sống. Ngược lại, trẻ bị tử vong rất cao hoặc có thể để lại những di chứng tổn thương não rất nặng nề. Vì vậy, biết cách sơ cứu cho nạn nhân bị đuối nước là điều vô cùng quan trọng.

Đuối nước là một dạng của ngạt, do nước bị hít vào trong phổi, khiến dây thanh quản bị co thắt và đóng lại. Khi bị ngạt nước, trẻ ngừng thở, tim đập chậm lại. Tình trạng ngừng thở tiếp tục, dẫn đến thiếu ôxy máu, gây tăng nhịp tim, huyết áp. Nếu ngừng thở tiếp tục kéo dài trong khoảng từ 20 giây đến 2 hoặc 5 phút tùy thuộc từng nạn nhân, thì đạt đến ngưỡng và nhịp thở lại xuất hiện khiến cho nước bị hít vào gây co thắt thanh quản tức thì, xuất hiện cơn ngừng thở lần 2, khiến cho nước vào phổi. Hậu quả là nhịp tim chậm dần lại, rối loạn nhịp, tim ngừng đập và tử vong.

Theo Bác sĩ Bùi Thị Tố Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, nguyên nhân xảy ra đuối nước đối với trẻ khi đi bơi là: do tính hiếu động của trẻ, nhiều em thích nghịch nước dù không biết bơi, hoặc sự bất cẩn của bố, mẹ không giám sát trẻ chặt chẽ khi bơi, cho dù không biết bơi nhưng trẻ chủ quan không lường trước hết sự nguy hiểm khi vui chơi, bơi lội ở những nơi như sông, suối, ao, hồ hoặc những hồ bơi lớn. Sự chủ quan của người lớn khi không đậy nắp chậu chứa nước, bể nước, giếng nước… môi trường sống chung quanh các công trình đào, bới để lại các hố sâu; hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… không có hàng rào, biển báo là những nơi nguy hiểm đã gây nên tai nạn đuối nước với trẻ. Các em chưa được học bơi cũng như kỹ năng đảm bảo an toàn khi cứu đuối và xử lý tình huống khi bơi.                                                                                                                                                     

Khi có trường hợp đuối nước xảy ra, cần khẩn trương đưa trẻ ra khỏi nước. Nếu trẻ còn tỉnh và giãy giụa dưới nước, ngay lập tức tận dụng các vật xung quanh để cứu trẻ như ném một cái phao hoặc dùng một khúc gỗ để giúp trẻ bám vào lên bờ. Người cứu trẻ cần biết cách đưa nạn nhân đuối nước còn tỉnh lên bờ vì lúc này nạn nhân trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt, bám lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu mình. Dùng hai tay ôm chặt đầu nạn nhân, để ngửa, nâng đầu nhô lên khỏi mặt nước, bơi kéo nạn nhân vào bờ. Trường hợp trẻ bất tỉnh dưới nước, sau khi đưa nạn nhân vào bờ cần nhanh chóng tiến hành sơ cứu tại chỗ cho nạn nhân bằng mọi cách: nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, đặt nạn nhân nằm ở nơi khô ráo, thoáng khí, giữ ấm cho nạn nhân. Tiếp tục quan sát nếu có hiện tượng ngừng thở thì phải bắt đầu hô hấp nhân tạo bằng cách chùi sạch những dị vật ở mắt, mũi, trong miệng (nếu có) rồi sau đó mình hà hơi, thổi ngạt. Sau khi hô hấp nhân tạo kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không, bằng cách áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không; nếu tim vẫn chưa đập cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực: dùng 1 bàn tay đối với trẻ từ 1 đến 8 tuổi, 2 bàn tay đặt chồng lên nhau đối với trẻ hơn 8 tuổi và người lớn, ấn vào phía trên mỏm ức 2 đốt ngón tay. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (ấn tim 5 lần, hà hơi thổi ngạt 1 lần) đối với trẻ dưới 8 tuổi, 15/2 (ấn tim 15 lần, hà hơi thổi ngạt 2 lần) đối với trẻ trên 8 tuổi. Khi trẻ tỉnh đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Bác sĩ Bùi Thị Tố Tâm nhấn mạnh.

Để phòng đuối nước khi đi bơi trẻ nên mang theo phao khi đi bơi, không ăn no trước khi xuống nước; hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát. Khi trẻ em đi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên, không nên rời mắt để làm công việc riêng như tán chuyện gẫu, dùng điện thoại, đọc sách... Phụ huynh nên cho trẻ đi học bơi, trẻ biết bơi sẽ có khả năng sống sót khi bị đuối nước./.

Minh Hiền