Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Tích cực hạn chế giới trẻ tiếp cận và sử dụng thuốc lá

29/05/2020 16:32    199

Năm 2020, chủ đề của ngày Thế giới không hút thuốc là “ Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”.

Chủ đề này nhằm thông tin tới cộng đồng tác hại của việc nghiện nicotin có trong các sản phẩm thuốc lá, đồng thời kêu gọi các quốc gia thực hiện những chính sách mạnh mẽ hơn để bảo vệ giới trẻ trước nguy cơ sử dụng ngày càng đa dạng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm thuốc lá điếu truyền thống cũng như các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng….

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết: có tới 21,6% nam thanh niên từ 16 đến 24 tuổi hút thuốc. Đáng lo ngại là phần lớn những người hút thuốc ở Việt Nam bắt đầu hút từ khi còn rất trẻ. Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên toàn cầu năm 2011 cho thấy, có 17% học sinh nam thử hút thuốc lá trước 10 tuổi, hơn 10% học sinh nam cho biết có ý định hút thuốc trong tương lai.

Giá thuốc lá ở Việt Nam khá rẻ, trung bình chỉ khoảng 15.000 - 17.000 đồng/bao. Do đó, người tiêu dùng thu nhập thấp, giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng có thể dễ dàng tiếp cận và duy trì việc hút thuốc. Trong cơ cấu dân số, thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ cao - đây là độ tuổi dễ bị ảnh hưởng nhất và họ chưa nhận thức đúng về tác hại của thuốc lá. Vì vậy, cùng với biện pháp tăng thuế nhằm hạn chế, ngăn ngừa giới trẻ tiếp cận với thuốc lá thì việc giáo dục ý thức pháp luật, văn hóa công cộng và ý thức bảo vệ sức khỏe cho giới trẻ là rất cần thiết. Đây là trách nhiệm của cả nhà trường, gia đình và xã hội.

Thầy cô giáo và phụ huynh phải gương mẫu chấp hành nghiêm những quy định của luật phòng chống tác hại thuốc lá để làm gương cho học trò. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành cũng cần vào cuộc nhằm quản lý việc bán thuốc lá tại các hàng quán trên địa bàn, đặc biệt xung quanh khu vực trường học.

Nhằm bảo vệ con người khỏi tác hại của thuốc lá và phơi nhiễm của khói thuốc, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã: Cấm hút thuốc lá tại công sở và nơi công cộng; tăng thuế thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá dưới mọi hình thức. Tuy nhiên cho đến nay cuộc chiến chống tác hại thuốc lá vẫn còn nhiều khó khăn.

Tuổi trẻ với những đặc trưng tâm lý lứa tuổi rất dễ bị lôi kéo. Nhiều thanh thiếu niên hiện nay coi việc hút thuốc là một cách thể hiện bản thân, coi điếu thuốc như một lời mời xã giao thân thiện trong lần gặp gỡ hay những phút tan giờ học. Không khó để bắt gặp học sinh, sinh viên trên tay phì phèo thuốc lá tại các quán Internet, quán giải khát, hàng rong ngay gần cổng trường,… Khi được hỏi: Em có biết tác hại của thuốc lá không? em M.T (THPT Lê Trung Đình) vô tư trả lời: “Em có nghe nhiều thông tin về tác hại của thuốc lá nhưng mỗi ngày em hút vài điếu cho vui thôi chắc cũng chẳng sao.” Cũng như em M.T, em H.V ngồi cùng cho biết: “Hút thuốc lá chẳng ngon lành gì nhưng bọn bạn hút tất chả lẽ mình lại ngồi không, thỉnh thoảng mới hút không nghiện được đâu chị ạ…”

Hiện nay, tất cả các trường học của tỉnh đều có quy định về việc cấm học sinh hút thuốc lá nhưng phần lớn các em hút ngoài phạm vi trường học nên nhà trường rất khó để quản lý.

 Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Mặc dù tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người đã được khuyến cáo từ rất lâu, thậm chí in trên cả bao thuốc, thế nhưng số người sử dụng thuốc lá vẫn rất cao, đặc biệt là trong thanh thiếu niên.

Tính khả thi của lệnh cấm, quy định xử phạt đối với người hút thuốc lá nơi công cộng chỉ có chừng mực nhất định. Thanh tra chuyên ngành Y tế và UBND các cấp là những đơn vị có thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, lực lượng này khá mỏng nên việc xử lý các trường hợp vi phạm là rất nan giải. Do đó, để ngăn ngừa giới trẻ tiếp cận với thuốc lá thì việc giáo dục ý thức pháp luật, văn hóa nơi công cộng và ý thức bảo vệ sức khỏe cho người dân, đặc biệt đối với giới trẻ là rất cần thiết./.

                                                                                                                  Kim Liên