Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Trẻ em với hậu quả hút thuốc lá thụ động

22/01/2021 14:07    175

Trẻ thường xuyên hút thuốc thụ động sức đề kháng sẽ yếu, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, dị ứng; dễ bị đột tử sơ sinh. Kết quả của một cuộc nghiên cứu được thực hiện tại Nam Phi còn cho thấy có mối liên quan giữa hút thuốc thụ động và nguy cơ nhiễm vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis tăng cao ở các trẻ sống chung trong một gia đình với bệnh nhân lao… Ngoài bệnh tật, trẻ hít khói thuốc lá thụ động còn có những hành vi cư xử bất thường, trở nên hung hăng hơn, bộc lộ thái độ khó gần trong giao tiếp thường ngày.

Hút thuốc lá thụ động là hít phải khói thuốc do người hút phà (thải) ra. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng hút thuốc lá thụ động cũng nguy hiểm tương tự như trực tiếp hút thuốc. Trẻ em là đối tượng phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Khói thuốc lá đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc có trong khói thuốc lá. Chất độc trong khói thuốc có thể bám vào tóc, quần áo của người hút, bám vào các bề mặt đồ đạc trong nhà, bao gồm cả thảm và ghế với thời gian rất lâu sau khi khói thuốc ngừng nhả. Trẻ sẽ bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với những đồ vật này khi chơi, khi bò hay ôm ấp người hút thuốc.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 600.000 người chết do hút thuốc lá thụ động, trong đó có không ít trẻ em. Khói thuốc thụ động đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em vì phổi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm hơn với các chất kích thích và chất độc trong khói thuốc lá.

Cháu Phạm Minh D, học sinh trường Tiểu học Nghĩa Lộ chia sẻ: “Ở nhà ba cháu thường hay hút thuốc, mỗi khi ba hút là cháu lại ho nên cháu thường đi tránh chỗ khác để không phải ngửi mùi thuốc”.

Trẻ em đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc nhưng là đối tượng chính của hút thuốc thụ động. Và những hậu quả mà trẻ thơ phải gánh chịu được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa đủ để thức tỉnh những người hút thuốc, trong đó có các bậc làm cha mẹ.

          Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho chính mình mà khi phả khói thuốc lá ra môi trường sẽ gây hại cho những người xung quanh, cũng như người thân của mình. Ở Việt Nam số người hút thuốc lá rất đông, thống kê là 56% nam giới. Khoảng 50% học sinh hút thuốc lá thụ động tại nhà. Hút thuốc lá thụ động cũng bị bệnh tương tự như người hút thuốc lá trực tiếp. Đối với trẻ em trong lúc bào thai, cha hút thuốc lá thì sinh ra trẻ dễ bị đột tử sơ sinh, hở hàm ếch rồi bị các bệnh ung thư như ung thư máu. Trẻ sinh ra dễ bị dị tật bẩm sinh, sinh non, thiếu cân, hay bị các bệnh và sức đề kháng yếu, hay bị dị ứng. Khi trẻ em hít khói thuốc lá cũng dễ bị viêm mủi, viêm xoang, viêm tai, kể cả sâu răng, viêm thanh quản, khí quản phế quản. Tăng 30% bệnh hen phế quản ở trẻ em, những em đã bị hen rồi thì sẽ nặng thêm ngoài ra còn suy giảm trí nhớ, chỉ số thông minh thấp… Bác sỹ Nguyễn Thái Hưng, Trưởng Khoa Cấp cứu,  Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết.

Trẻ em hít khói thuốc lá thụ động có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh đường hô hấp. Những triệu chứng điển hình thường gặp của các căn bệnh có liên quan đến phổi là cảm lạnh và cúm, ho, có đờm, khó thở, thở khò khè và viêm phổi. Bên cạnh đó, trẻ còn có khả năng mắc bệnh hen suyễn nếu sống chung với những người hút thuốc lá.  Vì não của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển nên việc hít khói thuốc lá thụ động lâu dài có thể gây ra những ảnh hưởng về cả thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Trong phần lớn các trường hợp, hút thuốc lá thụ động khiến trẻ gặp hạn chế về khả năng học hỏi, các rắc rối về hành vi, chứng hiếu động thái quá và bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý. Bên cạnh đó, nguy cơ trẻ trở thành người nghiện thuốc lá khi trưởng thành cũng sẽ cao hơn.

Luật Phòng chống tác hại của hút thuốc lá quy định: cấm hút thuốc lá khi có trẻ nhỏ. Vì vậy, nếu không thể từ bỏ thói quen hút thuốc, hãy cố gắng hút thuốc ở những nơi mà trẻ không bao giờ có mặt ở đó./.

                                                                                  Kim Liên