Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Phòng bệnh hen phế quản cho trẻ em

06/01/2021 13:16    235

Hen phế quản là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Thật vậy, đây chính là bệnh hô hấp mãn tính thường gặp nhất ở trẻ em. Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen cũng cao gấp đôi người lớn. Hen nặng khiến trẻ dễ bị suy hô hấp, bị bệnh lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến chức năng của phổi, dễ biến dạng lồng ngực, thậm chí có thể tử vong. Vì thế, phòng bệnh cho trẻ và phòng tránh bệnh trở nặng là điều rất cần thiết.

Triệu chứng người bệnh thường gặp phải là chảy mủi, ho, khò khè, khó thở, nặng ngực tái đi tái lại. Biểu hiện thường thay đổi, có thể rất rầm rộ trong khi lên cơn nhưng khi hết cơn trẻ có thể hoàn toàn bình thường.

Thạc sĩ - Bác sĩ Võ Thị Kim Dung, khoa Nhi hô hấp Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi cho biết: “những bé sinh mổ sẽ mắc bệnh hen nhiều hơn trẻ sinh thường; nuôi con bằng sữa mẹ sẽ làm giảm nguy cơ bị hen; bé phải tránh thuốc lá từ trong bụng mẹ, khi mang thai mẹ không được hút thuốc lá, không tiếp xúc với những người hút thuốc lá. Sau khi sinh bé cũng không nên tiếp xúc với khói thuốc lá. Trong năm đầu đời của bé nếu bé phải uống nhiều thuốc kháng sinh, đặc biệt kháng sinh phổ rộng có thể gây nguy cơ bị bệnh hen nên các ông bố, bà mẹ hạn chế dùng thuốc kháng sinh cho bé”.

Bệnh hen có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như: xẹp phổi, tràn khí màng phổi, khí phế thũng… Do cơ chế gây bệnh hen phế quản còn nhiều điểm phức tạp, nguyên nhân đa dạng nên hiện nay hen phế quản vẫn chưa điều trị khỏi. Trẻ bị tái đi tái lại nhiều lần, có thể chuyển thành cơn hen ác tính, trẻ bị chết trong tình trạng suy hô hấp và trụy tim mạch. Tuy nhiên, bệnh có thể kiểm soát tốt bằng bác biện pháp phòng ngừa để bệnh không nặng hơn, qua đó giúp trẻ phát triển, vui chơi bình thường.

Thạc sĩ - Bác sĩ Võ Thị Kim Dung, khoa Nhi hô hấp Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi nhấn mạnh: “Tránh những yếu tố gây ra cơn hen cấp như vận động mạnh, thời tiết lạnh, môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, các loại thức ăn mà bé đã từng dị ứng trước đó. Dùng thuốc dự phòng ở trẻ bị hen sẽ được chia thành các bậc khác nhau như hen nhẹ, gián đoạn, trung bình, dai dẳn, nặng mỗi bậc bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc khác nhau. Có thể dùng bình xịt định liều khi bé lên cơn hen cấp. Có những trẻ phải dùng những loại thuốc uống hoặc là xịt hàng ngày… Tùy vào từng bậc của cơn hen bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị dự phòng phù hợp”.

Ngoài ra, bố mẹ cần chú ý chăm sóc tốt sức khỏe cho trẻ: mặc ấm vào mùa đông, khi thay quần, áo cho trẻ không nên ở nơi có gió lùa, không cho trẻ chạy, nhảy nô đùa quá mức nhất là khi thay đổi thời tiết, trời quá nóng cũng như quá lạnh; có một số thức ăn dễ làm trẻ lên cơn hen, đặc biệt những thức ăn lạ, cần phải chú ý loại trừ. Vệ sinh phòng ở thông thoáng, không ẩm thấp, bụi, mốc. Thường xuyên giặt rap giường, màn, rèm… hạn chế nuôi chó mèo, chim trong nhà. Không hút thuốc khi có trẻ. Bên cạnh việc dùng thuốc dự phòng đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ, nên tiêm phòng cúm cho trẻ. Khi trẻ lên cơn thì phải dùng thuốc ngay, nếu không đỡ thì đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế./.

Minh Hiền

Minh Hiền