Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Thu hẹp khoảng cách chăm sóc trong phòng chống ung thư

04/02/2023 13:18    170

Ngày Thế giới phòng, chống bệnh Ung thư năm 2023 đánh dấu năm thứ hai của chiến dịch “Thu hẹp khoảng cách chăm sóc” qua đó nhằm giảm sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc chất lượng đối với người bệnh ung thư trên toàn thế giới.

Vào ngày 4 tháng 2 là dịp để hàng triệu người trên khắp thế giới đoàn kết để tiến gần hơn đến một thế giới mà tại đó không còn ai chết vì căn bệnh ung thư có thể phòng ngừa được hoặc phải chịu đựng một cách không cần thiết vì căn bệnh này. Đây sẽ là nơi mọi người đều có thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc ung thư mà họ cần.

Ung thư là căn bệnh xảy ra khi một nhóm tế bào bình thường trong cơ thể có sự phát triển bất thường, mất kiểm soát tạo thành một khối u. Điều này đúng với tất cả các bệnh ung thư ngoại trừ bệnh bạch cầu (ung thư máu). Nếu không được điều trị, các khối u có thể phát triển và lây lan vào mô bình thường xung quanh hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể qua đường máu và hệ thống bạch huyết. Đồng thời có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, thần kinh và tuần hoàn hoặc giải phóng các hormone có thể ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể.

Theo thống kê trên thế giới mỗi năm có khoảng 10 triệu người chết vì ung thư. Ung thư được xem là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trên toàn thế giới. Trong đó, 70% trường hợp tử vong do ung thư xảy ra ở các nước có thu nhập thấp đến trung bình.

Tuy nhiên, có ít nhất một phần ba các bệnh ung thư phổ biến có thể phòng ngừa được bằng cách giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, béo phì, lười vận động, nhiễm trùng, rượu, ô nhiễm môi trường, chất gây ung thư nghề nghiệp và bức xạ. Bên cạnh đó, một số bệnh ung thư như ung thư gan và ung thư cổ tử cung cũng có thể dự phòng có hiệu quả thông qua việc tiêm vắc xin chống lại vi rút viêm gan B (HBV) và vi rút u nhú ở người (HPV). Ngoài ra, xét nghiệm tầm soát ung thư cũng là một biện pháp nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh ung thư.

Các chuyên gia ung thư cho biết, một số yếu tố nguy cơ gây ung thư liên quan đến hành vi và chế độ ăn bao gồm thói quen hút thuốc lá ở nam giới (45,3%), uống rượu bia ở nam giới (77.3%), chế độ ăn ít rau và trái cây (57.2%), và thiếu hoạt động thể lực (28.1%).

          Ngày Thế giới phòng, chống bệnh Ung thư 04/02 là một sáng kiến toàn cầu nhằm truyền cảm hứng về bệnh ung thư và hành động trong việc ngăn ngừa, phát hiện và điều trị bệnh tốt hơn. Qua đó nâng cao nhận thức về sự thiếu công bằng trong chăm sóc ung thư và giải thích những rào cản còn tồn tại đối với nhiều người trong việc tiếp cận các dịch vụ và nhận được sự chăm sóc mà họ cần. Qua đó kêu gọi hành động nâng cao nhận thức, thực hành phòng chống ung thư, hỗ trợ các đổi mới trong chẩn đoán và điều trị, đồng thời giải quyết sự bất bình đẳng và yếu kém trong hệ thống y tế do đại dịch COVID-19./.    

 

                                                                                                 Kim Liên