Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

PHÒNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT CHO TRẺ EM

08/12/2022 20:00    103

Số ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện điều trị tại Khoa Nhiệt đới, bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi vẫn không giảm. Có trên 40 bệnh nhi bị sốt xuất huyết, trong đó có trên 15 ca bệnh nặng. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng ngừa nên chủ động phòng bệnh là hết sức quan trọng.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virut dengue gây ra, được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi vằn đốt. Muỗi vằn thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như: gầm bàn, gầm giường, hốc tủ, nơi treo quần áo… muỗi đốt, hút máu người cả ngày lẫn đêm nhưng hoạt động mạnh nhất lúc sáng sớm và chập choạng tối.

Bác sỹ Nguyễn Mậu Thạch, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi cho biết: Bệnh diễn tiến từ nhẹ đến nặng qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt: trẻ sốt cao đột ngột, thời gian sốt từ 2 - 7 ngày, kèm theo chán ăn, buồn nôn nôn, mệt mõi, đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau 2 hốc mắt, chấm xuất huyết dưới da. Giai đoạn nguy hiểm: từ ngày thứ 3 - ngày thứ 7 của bệnh, giai đoạn này trẻ vẫn còn sốt hoặc hết sốt, xuất huyết dưới da, niêm mạc, xuất huyết đường tiêu hóa, đau bụng vùng thượng vị, đau hạ sườn phải. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị thoát huyết tương, gây tràn dịch màng phổi, màng bụng, người bệnh li bì, vật vả, mạch nhanh, tay chân lạnh, hạ huyết áp. Giai đoạn hồi phục: sau 48 - 72 giờ của giai đoạn nguy hiểm, trẻ hoàn toàn hết sốt, bệnh nhân bắt đầu thèm ăn, huyết áp ổn định, tiểu nhiều, xét nghiệm máu số lượng bạch cầu máu thường tăng lên, số lượng tiểu cầu dần trở về bình thường, nhưng muộn hơn so với số lượng bạch cầu.

Trẻ em sức đề kháng yếu, khi mắc bệnh nặng có thể xảy ra các biến chứng như suy gan, suy hô hấp, suy thận, tràn dịch màng phổi... có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời. Bố mẹ cho trẻ nhập viện ngay nếu trẻ có một trong các dấu hiệu: sốt quá cao, xuất huyết lan rộng, chảy máu cam, chảy máu chân răng; tay, chân lạnh, trẻ đang tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, vật vã, đau bụng dữ dội, da đổi màu.

Bác sỹ Nguyễn Mậu Thạch, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi khuyến cáo cách phòng bệnh tốt nhất là: Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi vằn: các dụng cụ chứa nước trong nhà như bể nước, chum, vại, thùng, lu, xô… cần có nắp đậy. Khi dùng nước xong lưu ý phải đậy nắp lại; lọ hoa, chậu hoa, bát kê chạn chống kiến… nên cắm hoa vào những lọ có trộn lẫn cát và nước, hoặc thay nước thường xuyên, các bát chống kiến có thể xử lý bằng bỏ muối ăn, hoặc bằng dầu; những dụng cụ hứng nước của máy làm mát, tủ lạnh, điều hòa... cần được kiểm tra, tháo nước, cọ rửa thường xuyên; nhà cửa ẩm thấp, tối tăm cũng là nơi thuận lợi cho muỗi trú ẩn, cần phải có nhiều ánh sáng tự nhiên bằng cách mở cửa sổ thường xuyên hoặc lợp tôn có ánh sáng; thu xếp quần áo gọn gàng, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát không còn cơ hội cho muỗi trú ẩn để đốt người; xung quanh nhà cần được phát quang, không để những bụi rậm là nơi ẩn nấp của muỗi. Tiêu diệt bọ gậy loăng quăng: thả cá lia thia, cá vàng, cá bảy màu vào những dụng cụ chứa nước không có nắp đậy, nước dội nhà cầu, nước tưới cây, nước dùng cho trâu bò uống… Làm tốt biện pháp trên, chúng ta đã tạo ra một môi trường không có muỗi vì không có loăng quăng thì không có muỗi và khi không có muỗi thì không có sốt xuất huyết. Không để muỗi vằn đốt và tiêu diệt muỗi: quần áo phải đủ độ dày và độ rộng để làm giảm nguy cơ bị muỗi đốt, nên mặc quần áo dài tay, đi tất đặc biệt đối với trẻ em, người lớn khi đi làm ngoài vườn hoặc bất kể những chỗ nào mà chúng ta cho là có muỗi; dùng các sản phẩm như nhang diệt muỗi, bình xịt muỗi, vợt điện diệt muỗi, máy hút muỗi để tiêu diệt muỗi; tẩm hóa chất mùng (màn), rèm để diệt muỗi vằn. Khi ngủ trưa cũng cần ngủ trong mùng./.

MINH HIỀN