Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Tăng cường sức khỏe vượt qua dịch bệnh

19/03/2020 11:50    145

Trong nhịp sống hiện đại hối hả, sức khỏe của chúng ta đang bị tác động bởi rất nhiều yếu tố như: môi trường bị ô nhiễm, sự thay đổi của nhiệt độ và dịch chuyển của mô hình bệnh tật... Trước những tác động đó, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, nếu không có một cơ thể khoẻ mạnh, sức đề kháng tốt thì sức khoẻ của con người sẽ bị giảm sút rất nhanh chóng, dễ nhiễm dịch bệnh và tiến triển nặng hơn. Mỗi người hãy biết cách chăm sóc sức khỏe cho chính mình để chống lại sự xâm nhập của virus, hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Bác sĩ Cao Thị Huyền Trang - Trưởng Khoa dinh dưỡng bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho biết bên cạnh các biện pháp dự phòng lây nhiễm Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao sức khỏe và phòng chống dịch bệnh. Sau đây là một số nguyên tắc dinh dưỡng cho một cơ thể khỏe mạnh, từ đó phòng chống bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra:

* Cung cấp đủ năng lượng hàng ngày: không bỏ bữa, ăn đủ 3 bữa chính gồm 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường có nhiều trong ngũ cốc, gạo, củ khoai, mì…; chất đạm: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu đỗ;  chất béo: mỡ động vật, dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu oliu…; vitamin và muối khoáng có nhiều trong rau xanh và các loại hoa quả.

* Bổ sung thực phẩm nhiều đạm (protein) trong các bữa ăn: Protein là thành phần của các yếu tố miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể. Người cân nặng trung bình 60kg nên tiêu thụ khoảng 60-65g protein mỗi ngày tương đương với 300g thịt, cá.

* Tăng cường các thực phẩm chứa nhiều vitamin: Vitamin A chống nhiễm trùng cơ thể. Thực phẩm giàu vitamin A như: gan động vật, dầu gan cá, trứng, sữa, cam, cà rốt, gấc, rau cải xanh, rau bí…; Vitamin C là một loại vitamin thiết yếu cho hệ thống miễn dịch của cơ thể, tổng hợp của virus mới, từ đó có tác dụng chống lại virus xâm nhập. Vitamin C đến từ trái cây và rau tươi như: ổi, cam, quýt, bưởi, cà chua, súp lơ, củ cải, ớt chuông…; Vitamin E có vai trò bảo vệ tế bào, chống lại các gốc oxy hóa tự do. Thực phẩm giàu vitamin E gồm các loại hạt như hạt hướng dương, các sản phẩm từ đậu nành và lúa mì. Sắt và kẽm: có nhiều  trong hàu, cua, gan động vật…

* Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Ăn chín, uống sôi; uống nước thường xuyên, không để khát mới uống. Sử dụng găng tay, khẩu trang khi mua thực phẩm, nhất là khi mua thịt gia súc, gia cầm. Tránh xa khu vực chứa chất thải, nước thải trong chợ. Không sử dụng thịt động vật chết. Khi chế biến thực phẩm dùng tạp dề, găng tay, khẩu trang; sử dụng dao, thớt riêng để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín. Không dùng chung đũa, thìa, ly nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn qua đường ăn uống. Rửa tay bằng xà phòng để loại bỏ các mầm bệnh sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín.

* Chế độ sinh hoạt hợp lý: ngủ đủ giấc mỗi ngày không ít hơn 7 tiếng, tránh thức khuya. Thực hiện các bài tập thể dục cá nhân, thời gian mỗi ngày tập luyện ít nhất 30 phút, nhưng hạn chế tham gia các nhóm hoạt động thể thao đông người để tránh lây nhiễm. Hạn chế sử dụng bia, rượu, thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích./.


Minh Hiền