Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Công tác an toàn tiêm chủng luôn được ngành y tế chú trọng

27/02/2020 14:51    152

Ở Việt Nam, chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em phòng 11 bệnh, trong đó 9 bệnh được tiêm thường xuyên là: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ do Hib, sởi, lao, bại liệt và viêm não Nhật bản B. Còn 2 bệnh là tả, thương hàn tiêm khi trong vùng có dịch.

Ngày nay, văcxin được sử dụng rộng rãi trên thế giới vì thực tế đã chứng minh tiêm chủng là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả và rẻ tiền.

Sau hơn 30 năm triển khai, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần to lớn vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhiều bệnh dịch nguy hiểm đã được thanh toán và loại trừ. Hiệu quả mà chương trình tiêm chủng mở rộng mang lại không chỉ bảo vệ sức khoẻ cho trẻ em và cộng đồng mà còn giảm rất lớn chi phí chăm sóc sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề an toàn trong tiêm chủng không chỉ là quan tâm của ngành y tế, của cha mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng mà còn của toàn thể cộng đồng.

Bác sỹ Hồ Minh Nên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho biết:

          “An toàn tiêm chủng phải thực hiện các khâu: Thứ nhất văcxin phải đảm bảo, thứ 2 là hệ thống dây chuyền lạnh, thứ 3 là tại điểm tiêm phải xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ ràng phân công trách nhiệm cho từng cán bộ thật chi tiết. Tại điểm tiêm phải thực hiện theo quy trình một chiều theo đúng quy định Bộ y tế; nghĩa là phải có nơi ngồi chờ các bà mẹ đưa cháu đến, phải có bộ phận  đón tiếp hướng dẫn, phải có khám sàng lọc trước tiêm và tư vấn về loại văcxin cháu được tiêm đợt này, những sự cố có thể có xảy ra. Sau đó bác sĩ khám sàng lọc có chỉ định tiêm hay không; tiếp theo là vào phòng tiêm và tiêm, cán bộ y tế sẽ ghi vào sổ tiêm chủng; sau đó đưa cháu ra phòng ngồi chờ 30 phút trước khi trở về.”

        Bác sỹ Hồ Minh Nên nhấn mạnh, theo tiêu chuẩn trên, tất cả các điểm tiêm chủng của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đều có đủ điều kiện về an toàn tiêm chủng. Do vậy, các bà mẹ có thể hoàn toàn yên tâm đưa con em mình đi tiêm chủng tại trạm Y tế xã, phường, thị trấn gần nhất.

Tuy nhiên, an toàn trong tiêm chủng còn cần phải có sự phối hợp của người đưa trẻ đi tiêm chủng. Vai trò của phụ huynh cũng rất quan trọng vì trước hết họ phải hợp tác với cán bộ y tế, khai báo rõ tình trạng sức khỏe của con/ cháu mình, phải biết trẻ đã tiêm văcxin gì và hiện nay đến văcxin gì như đã hướng dẫn ở lần tiêm trước. Theo dõi các biểu hiện bất thường sau tiêm trong 2 ngày sau tiêm chủng để kịp thời báo cho cán bộ y tế.

Tiêm chủng mở rộng có thể coi là một món quà vô giá, một phát kiến dành tặng cho trẻ em trong thế kỷ 20. Để có được những thành quả như vậy là cả một sự nỗ lực lớn của toàn ngành Y tế trong công tác tiêm chủng, cũng như sự hỗ trợ tích cực từ phía cộng đồng và sự hưởng ứng của người dân. Vì vậy đừng để con trẻ thiệt thòi khi không được đi tiêm chủng.

        Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, Bác sỹ Hồ Minh Nên cho biết thêm: “ Phải đi đúng lịch theo giấy hẹn. Cần quan tâm đến tình trạng sức khỏe của trẻ trong thời gian 3 ngày trước để đến các điểm tiêm phối hợp với cán bộ y tế trong quá trình khám sàng lọc, thông tin cho cán bộ y tế tình trạng sức khỏe trong 3 ngày gần nhất như cháu có đau, nhiễm trùng, sốt hoặc đang dùng thuốc gì không, để bác sĩ khám sàng lọc chỉ định có tiêm hay không tiêm văcxin trong đợt này. Phải mang theo giấy tiêm chủng hoặc phiếu mời, trên cơ sở đó sẽ biết được đợt  này con chúng ta sẽ được tiêm loại gì, tác dụng loại đó trên cơ thể trẻ như thế nào. Nên cho trẻ bú hoặc uống nước đường trước khi đưa cháu đến các điểm tiêm, phòng trường hợp cháu đói, có thể xảy ra tình trạng phản ứng không mong muốn sau khi tiêm”.

Để đảm bảo chất lượng tiêm chủng, bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế, các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng cần nắm rõ thời gian tiêm chủng tại nơi cư trú và các loại văcxin trẻ được tiêm từng đợt. Chuẩn bị kỹ trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng, tiêm đúng lịch, đúng thời gian quy định và cũng phải tìm hiểu kỹ những phản ứng sau tiêm chủng và cách xử trí để an toàn cho trẻ.

Kim Liên

Kim Liên