Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Nâng cao sức đề kháng cho người mắc bệnh nền

29/01/2020 14:38    159

Người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi

Trong phòng các bệnh lây nhiễm, các biện pháp khuyến cáo như: đeo khẩu trang, rửa tay, tránh tiếp xúc... sẽ hạn chế khả năng virus này xâm nhập vào cơ thể. Còn khi virus đã xâm nhập, chỉ có hệ miễn dịch, sức đề kháng tốt mới giúp chống đỡ tác nhân gây bệnh. Trong giai đoạn dịch Covid-19 như hiện nay, trước tình hình chưa có vacxin phòng bệnh thì vấn đề tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe để vượt qua dịch bệnh đối với những người mắc các bệnh nền( một số bệnh mạn tính) bệnh mạn tính là vấn đề đáng quan tâm.

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, khi mắc COVID-19, nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng khi mắc Covid 19 sẽ tập trung vào nhóm người cao tuổi (trên 60 tuổi), có bệnh lý nền (tiểu đường, cao huyết áp, suy thận mãn, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính…) hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt…

Trong thực tế, giai đoạn này đã có những bệnh nhân COVID-19 trên nền bệnh mãn tính phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ hô hấp như lọc máu, thở máy, ECMO thậm chí là tử vong.

Bác sĩ Cao Thị Huyền Trang, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãicho biết: “Theo số liệu của tổ chức y tế thế giới, và số liệu hiện tại ở Việt Nam thì số lượng mắc covid 19 tử vong chủ yếu ở người cao tuổi và mắc các bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận, suy tim, ở những người này khi mắc covid thì tình trạng bệnh sẽ diễn biến nhanh và xấu hơn. Do vậy dinh dưỡng của họ cần phải được chú trọng giúp họ tăng sức đề kháng vượt qua giai đoạn này.”

Sức đề kháng của nhóm người mắc bệnh lý nền thường giảm rõ rệt. Vì vậy khi bị nhiễm virus Sars Cov2 sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, từ đó bệnh nhân rất dễ tử vong.

“Phải tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sỹ, phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sỹ dinh dưỡng. Với mỗi bệnh chúng ta sẽ có chế độ ăn khác nhau. Với người tiểu đường sẽ hạn chế tinh bột, ưu tiên sử dụng tinh bột tự nhiên. Bên cạnh đó ăn kèm rau xanh trong và trước bữa ăn để giảm sự tăng đường. Nên lựa chọn hoa quả có lượng đường thấp như ổi, thanh long, bưởi. Sử dụng món hấp luộc thay chiên xào nướng. Đối với bệnh nhân tim mạch cần ăn giảm muối, giảm gia vị có chứa nattri, giảm lượng chất béo. Ăn tăng cường rau xanh. Bệnh nhân suy thận nên ăn hạn chế lượng đạm, đối với bệnh nhân chưa chạy thận thì lượng đạm tùy thuộc vào cân nặng của bệnh nhân, tùy vào giai đoạn bệnh.  Đạm từ động vật và thực vật phải được cân đối,  lượng nước uống cũng phải được tính toán kỹ.”. BS Trang cho biết thêm.

Người mắc các bệnh mạn tính vẫn có thể vận động thể dục thể thao trong nhà để tăng cường sức khoẻ vì nếu chỉ ở nhà mà không vận động thể lực thì cơ thể lại sẽ ốm yếu. Cùng với đó, việc ở trong nhà lâu lại dễ dẫn đến stress nên cần có vận động và giải trí thích hợp để giảm stress, căng thẳng.

Một chế độ dinh dưỡng khoa học và chế độ tập luyện thể thao hợp lý sẽ là những điều quan trọng để bảo vệ cơ thể trước dịch bệnh.

                                                                                                Bài, ảnh: Kim Liên