Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Lưu ý trong chăm sóc sức khỏe của trẻ mùa lạnh

26/09/2019 04:24    182

Sự khắc nghiệt của thời tiết mùa đông làm cho trẻ em dễ đổ bệnh. Nguyên nhân là do sức đề kháng của trẻ chưa hoàn thiện nên rất nhạy cảm với thời tiết, với nhiệt độ. Vì vậy, việc hiểu biết một số bệnh thường gặp trong mùa lạnh cũng như cách chăm sóc trẻ là rất cần thiết. Mùa đông thời tiết giá lạnh, trẻ dễ bị mắc bệnh hơn so với các mùa khác. Bởi vậy người mẹ hãy chuẩn bị tâm lý, trang bị cho mình kiến thức vững vàng, để giữ bé luôn khỏe mạnh.

Bác sỹ T rương Thị Thanh, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết:  Trong mùa lạnh, các bà mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ nhất là giữ ấm về cổ, ngực và chân, tay. Khi ra đường nên mặc đồ ấm, tránh gió lùa. Cho trẻ mặc đủ ấm, không nên mặc nhiều đồ quá khi nhiệt độ ở đây không phải là lạnh lắm. Trẻ mặc nhiều đồ, vận động nhiều, tăng thân nhiệt mồ hôi toát ra nhiều cũng không tốt. Nên mặc đủ ấm thôi. Ngoài giữ ấm, phải giữ vệ sinh nữa. Tránh đưa trẻ đến nơi đông người, nơi có người bị bệnh mùa đông như cảm cúm, viêm đường hô hấp trẻ dễ bị lây. Trong nhà có người bị bệnh nên đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với trẻ.

Về mùa lạnh nên cho trẻ ăn nhiều hơn, ăn những thức ăn còn nóng, tốt nhất là nấu xong nên cho trẻ ăn ngay. Nếu bé còn đang ở tuổi bú mẹ, thì cố gắng cho bé bú càng nhiều càng tốt để trẻ phát triển tốt và chống đỡ với thời tiết giá lạnh.

“……cho trẻ ăn đủ các vi chất dinh dưỡng, vitamin để tăng sức đề kháng cho trẻ. Chẳng hạn các vi chất dinh dưỡng như: kẽm, sắt, vitamin A, vitamin C. Kẽm có nhiều trong hàu, hến hoặc trong các loại hải sản. Sắt thường có trong lòng đỏ trứng gà, gan, thịt có màu đỏ”.BS Thanh cho biết thêm.

Nếu trẻ còn bú mẹ, nên tăng cường hệ miễn dịch cho bé bằng cách cho con bú mẹ đều đặn. Nhờ tác dụng của sữa mẹ, bé sẽ ít bị ốm hơn và nếu có bị, cũng hồi phục nhanh hơn trong năm đầu đời, nhất là khi bạn cho bé bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng. 

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và đảm bảo tất cả những người chăm sóc bé đều làm như vậy. Đây là cách đơn giản nhất mà hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng cảm, cúm. Ngoài ra, phải chắc chắn rằng bạn rửa tay trước và sau khi thay tã cho bé.Do phần lớn bệnh mùa đông lây truyền qua đường ho, hắt hơi và tiếp xúc trực tiếp, hãy giữ con bạn tránh xa người bị ốm và không tới những nơi đông người.

Đảm bảo cho bé được tiêm vắc-xin theo đúng lịch cập nhật, nhằm bảo vệ con khỏi những căn bệnh nguy hiểm. Bác sĩ nhi có thể kê loại vắc-xin cúm mùa cho bé, để ngăn ngừa nguy cơ mắc 2-3 chủng virus cúm phổ biến nhất vào mùa đông.

Khi nào tôi nên đưa con đi gặp bác sĩ nếu bé bị ốm?

Mặc dù cảm thông thường, có thể gây cảm giác căng thẳng, lo lắng, bạn không nhất thiết phải đưa con đi khám bác sĩ ngay. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cần cảnh giác và lời khuyên dành cho bạn là tìm kiếm trợ giúp y tế càng sớm càng tốt.

- Bé kéo tai hoặc khóc như thể bị đau dù không có lý do rõ ràng. Những dấu hiệu này có thể cho thấy, bé bị viêm tai.

- Nếu bé thở khò khè hoặc khó thở, đây cũng có thể là dấu hiệu bé bị mắc bệnh đường hô hấp do dị ứng hoặc do nhiễm trùng vì vi khuẩn/vi-rút.

- Bé nhỏ hơn 3 tháng tuổi và bị sốt 38 hoặc trên 38 độ C, hoặc nhỏ hơn 6 tháng tuổi và sốt từ 39 độ trở lên.

Kim Liên​

Tin liên quan