Thuốc trị tiêu chảy mùa lũ lụt
Tại sao lũ lụt dễ gây bệnh tiêu chảy?
Năm nay lũ lụt ở miền Trung nặng nhất trong 20 năm qua. Các tỉnh từ Quảng Bình trở vào đến Thừa Thiên Huế đang phải gánh những hậu quả nặng nề về người và của từ lũ lụt. Trong và sau mùa lũ lụt các vi sinh vật từ đất, rác, chất thải, xác súc vật chết thối rữa ra hòa vào dòng nước gây ô nhiễm môi trường. Điều kiện vệ sinh ở những nơi bị cô lập không đảm bảo, thiếu nước sạch. Nhiều người sức khỏe giảm sút do ăn uống thiếu thốn, cuộc sống đảo lộn, nhất là trẻ em và người già, làm cho sức đề kháng kém cộng với mầm bệnh từ các nguồn nước ô nhiễm có nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh, trong đó có tiêu chảy.
Khi bị tiêu chảy cần lưu ý bù nước và điện giải.
Các thuốc trị bệnh tiêu chảy thường dùng
Tiêu chảy là bệnh đường tiêu hóa thường gặp nhất, đặc biệt phải quan tâm đến tiêu chảy ở trẻ em. Có 3 loại tiêu chảy: tiêu chảy cấp tính, bán cấp và mạn tính. Tiêu chảy cấp tính thường chỉ một vài ngày, tối đa là 1 tuần. Tiêu chảy bán cấp tính tối đa 3 tuần và tiêu chảy mạn tính trên 4 tuần.
Nguyên nhân gây tiêu chảy: nhiễm Rotavirus, vi khuẩn Samonella hoặc E. coli, ký sinh trùng như Giardia; Do ngộ độc thực phẩm (thường nôn mửa, tiêu chảy 24 giờ là hết); do tác dụng phụ của một số thuốc; do bệnh đường ruột... Phải tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà chọn thuốc điều trị thích hợp. Một số thuốc trị tiêu chảy thường dùng:
Berberin: là một loại kháng sinh thực vật tương đối lành tính, trị các bệnh đường ruột như: Hội chứng lỵ (lỵ trực khuẩn, lỵ amip); tiêu chảy do viêm ruột. Thuốc dạng viên nén có các hàm lượng: 10mg/viên dùng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Uống trước khi ăn 1-2 giờ buổi sáng và tối (liều dùng theo tờ hướng dẫn sử dụng). Thuốc chống chỉ định đối với trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, cho con bú.
Diosmectite (smecta): là thuốc điều trị triệu chứng, không có tác dụng điều trị tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Diosmectide bao phủ và bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa chữa tiêu chảy cấp cho trẻ em từ 1 tuổi trở lên và người lớn. Cần thận trọng khi dùng diosmectite để điều trị tiêu chảy nặng, vì thuốc có thể làm thay đổi độ đặc của phân. Diosmectite có thể hấp thụ một số thuốc khác, do đó có thể ảnh hưởng tới thời gian và tỷ lệ hấp thu của các thuốc đó, nên uống các thuốc khác sau khi uống diosmectite khoảng 2 - 3 giờ.
Loperamid: có tác dụng giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa, hạn chế mất nước và điện giải, tăng trương lực cơ thắt hậu môn. Thuốc không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi. Ngừng thuốc khi không có hiệu quả trong 48 giờ, khi bị táo bón, trướng bụng, liệt ruột. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Men vi sinh probiotic: Dùng khi tiêu chảy do loạn khuẩn ruột. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng probiotics có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị tiêu chảy liên quan đến phác đồ kháng sinh lâu dài. Hơn nữa, probiotic cũng có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh tiêu chảy truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em và người lớn cũng như có thể giúp ngăn ngừa bệnh lý này.
Kẽm: Có tác dụng tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ tiêu chảy kéo dài, làm đặc phân. Cần bổ sung kẽm liên tục 10-15 ngày cho trẻ bị bệnh.
Thuốc kháng sinh: Tetracyclin, norfloxacin, ciprofloxacin, metronidazol, neomycin… chỉ dùng khi bị tiêu chảy nặng do vi khuẩn, đã được bác sĩ khám và chỉ định. Không dùng các loại kháng sinh kể trên cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Trẻ em dưới 16 tuổi. Người tiêu chảy do E. coli.
Bổ sung nước và chất điện giải: Tiêu chảy làm người bệnh mất nước và chất điện giải vì vậy cần quan tâm bổ sung, nhất là trẻ em, tránh mất nước dễ sinh co giật có khi tử vong. Dùng oresol pha nước hoặc nước cháo muối cho người bệnh uống. Cần chú ý pha oresol theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Ngoài ra, có thể dùng lá ổi non để trị tiêu chảy như sau: Lấy 30- 50g lá ổi non tươi, giã nát rồi sắc với 100ml nước cho người bệnh uống (dùng chữa tiêu chảy cấp cho người lớn và trẻ em).
DS. Trần Xuân Thuyết
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn