Trang thông tin điện tử

Sở Y tế

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa bão lũ

Bão lũ không những gây thiệt hại nghiêm trọng về người, nhà cửa và tài sản của nhân dân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sinh hoạt đời sống hàng ngày của nhân dân. Tại vùng bão lũ, các công trình vệ sinh, cống rãnh bị ngập trong nước nên các chất thải của người, gia súc, gia cầm, xác động thực vật hòa vào nước gây ô nhiễm cho môi trường đất, nước, không khí dẫn đến nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, thức ăn, nước uống là rất cao. Hơn nữa, sau bão lũ, việc cung cấp lương thực và thực phẩm bị hạn chế, nhiều địa phương còn bị cô lập bởi nước lũ, chưa có điều kiện thực hiện ăn chín, uống chín. Vì vậy, những bệnh liên quan đến an toàn thực phẩm như bệnh tiêu chảy, tả, lỵ thường rất hay xảy ra.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân trong mùa bão lũ, chúng ta cần thực hiện một số vấn đề sau:

1. Trước khi xảy ra bão, lũ:

Chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hóa chất sát khuẩn nguồn nước của ngành y tế. Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đầy đủ nhãn mác, còn hạn sử dụng. Tuân thủ việc chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn.

2. Trong khi bão, lũ xảy ra và sau khi bão, lũ rút:

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.

- Thực hiện tốt việc ăn chín, uống chín.

- Đối với những vùng không đủ nước sạch, vùng bị ngập lụt có thể sử dụng các loại hóa chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng…

Sau khi bão, lũ rút: Chủ động vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống và các công trình công cộng; ăn uống hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn để phòng chống dịch bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Đây là biện pháp tốt nhất nhằm để phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa bão lũ.

Xuân Huệ, Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi


Thống kê truy cập

Đang online: 35
Hôm nay: 893
Hôm qua: 3.150
Năm 2025: 86.433
Tất cả: 86.444

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH