Phòng bệnh thường gặp ở Người cao tuổi vào mùa đông
11/11/2022 16:06 264
Mùa đông thời tiết lạnh giá, mưa làm độ ẩm tăng cao khiến nhiều người mệt mỏi dễ bị đau, ốm đặc biệt là người cao tuổi sức khỏe yếu do cơ thể thoái hóa tự nhiên, hệ miễn dịch suy giảm nên dễ mắc bệnh, điều quan trọng là tìm hiểu nguyên nhân, có biện pháp phòng bệnh kịp thời, hiệu quả để bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng của cuộc sống của người cao tuổi.
Bác sĩ Trịnh Quang Thân, Trưởng khoa Tim mạch Lão khoa và Cán bộ Trung cao, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho biết: thời tiết lạnh khiến nguy cơ mắc bệnh trở nên phổ biến ở người cao tuổi, những bệnh thường gặp nhất là tim mạch, bệnh đường hô hấp, bệnh xương khớp, đột quỵ não. Cách phòng một số bệnh này:
1. Phòng bệnh tim mạch:
Khi nhiệt độ ngoài trời lạnh là điều kiện thuận lợi cho huyết áp tăng cao gây đột quỵ hoặc cơn đau tim cấp làm cho bệnh suy tim tiến triển. Bệnh lý tim mạch thường gặp ở người cao tuổi là tăng huyết áp, loạn nhịp tim, bệnh động mạch vành, đau tim, bệnh van tim. Dấu hiệu là khó thở, cảm giác khó thở sau khi tập thể dục, làm việc nặng, suy nghĩ căng thẳng, có những lúc không làm gì cũng khó thở, hồi họp, đánh trống ngực…
Cách phòng bệnh: Người bệnh tim mạch cần được đo và theo dõi huyết áp định kỳ; mặc đủ ấm khi thời tiết lạnh; luyện tập thể dục đều đặn, phù hợp, vừa sức như đi bộ 30 phút mỗi ngày; chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn đủ chất, kiêng ăn đồ mặn, tăng cường rau xanh và chất xơ, hạn chế thức ăn có đường, bột, mỡ động vật, bia, rượu, không hút thuốc lá; luôn mang theo thuốc trợ tim bên mình; khi có những dấu hiệu bất thường cần báo cho người thân và nhập viện càng sớm càng tốt.
2. Bệnh đường hô hấp:
Khi thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, người già sức đề kháng kém dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản…
Để phòng bệnh người cao tuổi cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm, tập thể dục hoặc đi lại, vận động thân thể ở trong nhà, vệ sinh miệng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc miệng bằng nước muối sinh lý. Không nên sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…
3. Bệnh xương khớp:
Vào mùa lạnh người già hay bị cứng khớp, thoái hóa khớp như viêm khớp gối, có thể gây ra gai khớp gối đè ép vào màng xương gây ra triệu chứng viêm thậm chí là tiếp xúc gây căng và những thoái hóa khớp cổ, khớp đốt sống lưng cũng gây chèn ép đau thần kinh. Hội chứng cổ cánh tay, hội chứng cổ gáy hay là hội chứng đau thần kinh toại.
Phòng bệnh người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là tại vị trí các khớp. Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người cao tuổi duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải, không tăng áp lực lên các khớp, vì thế hạn chế những cơn đau. Nên bổ sung nhiều thực phẩm có chứa hàm lượng axit béo omega-3, các loại rau xanh, trái cây nhiều vitamin C. Nên duy trì chế độ vận động nhẹ nhàng các khớp gối, cổ chân, bàn tay, ngón tay theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
4. Đột quỵ não:
Tuổi cao là yếu tố nguy cơ thường gặp của bệnh mạch máu não như bệnh đột quỵ não. Vì ở giai đoạn này, hệ mạch giảm độ đàn hồi, thường xảy ra xơ cứng mạch máu, lại hay kèm theo bệnh tăng huyết áp. Thời điểm dễ xảy ra đột quỵ não là chiều tối và đêm. Người bệnh đột nhiên choáng váng, giảm ý thức, bại yếu một bên cơ thể. Trường hợp nặng, người bệnh quỵ ngã đột ngột và bất tỉnh thì cần đưa ngay đến bệnh viện.
Phòng bệnh: Tập thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên, ăn uống cân đối, đa dạng, hạn chế bia, rượu, không hút thuốc lá, có một cuộc sống tinh thần thoải mái được coi là những biện pháp phòng ngừa tốt nhất.
Người cao tuổi cần đi khám bệnh định kỳ để nhận được những lời khuyên hữu ích từ bác sĩ và điều trị sớm nếu có bệnh. Hãy tham gia các hoạt động phong trào mỗi ngày để duy trì sự linh hoạt hay thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Tập các bài thể dục dành cho người lớn tuổi như dưỡng sinh, thái cực quyền, thiền định. Chế độ ăn giàu dinh dưỡng và được kiểm soát vừa phải để hạn chế việc thừa cân. Con, cháu trong gia đình gần gũi, động viên, chăm sóc ông bà, bố mẹ hàng ngày và những lúc đau ốm làm cho người cao tuổi ít bệnh tật và cảm thấy sống vui tươi./.
Minh Hiền
Tin liên quan
- Phòng bệnh thường gặp sau mưa, bão
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ mùa dịch như thế nào?
- Ngừa biến chứng bệnh tay chân miệng
- [Sổ tay] Phòng chống dịch COVID-19 tại hộ gia đình
- 3 thay đổi trong chiến lược chống dịch, trong đó trẻ em dưới 5 tuổi sẽ được cách ly nghiêm ngặt tại nhà
- Vaccine COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam
- Phòng dịch quyết liệt nhưng vẫn bảo đảm người dân đón Tết
- Khẩn: Những người đến 4 địa điểm này cần liên hệ y tế ngay
- Những ai đến 31 địa điểm của Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh cần liên hệ cơ quan y tế