Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Phòng bệnh thường gặp sau mưa, bão

26/10/2021 16:06    394

Mưa, bão không chỉ gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản mà còn gây ra nhiều dịch bệnh vì những vùng bị bão lụt nước ngập tràn, cuốn tất cả mọi thứ ô uế có trên mặt đất như chất thải từ cống rãnh, nhà tiêu, xác súc vật, chuồng gia súc, gia cầm, côn trùng, cây cối… làm nước và môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng là nguy cơ phát sinh nhiều dịch bệnh. Trong đó một số bệnh hay gặp: tiêu chảy, đau mắt đỏ và bệnh viêm kẽ ngón chân. Để phòng bệnh người dân cần lưu ý:

  1. Phòng bệnh tiêu chảy.

Nguyên nhân là do thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, bàn tay của chúng ta nhiễm bẩn rồi cầm nắm thức ăn đưa vào miệng; ruồi nhặng, gián bám vào phân, xác chết của gia xúc, gia cầm, chất thải…đậu vào thức ăn, nước uống.

Cách phòng bệnh: nước dùng ăn, uống phải được khử trùng và nấu sôi. Trường hợp không có nước dự trữ thì phải làm trong nước và khử trùng nước trước khi dùng. Để làm trong nước dùng phèn chua, liều lượng là 1 gam cho 20 lít nước, khuấy đều, chờ đến khi lắng cặn rồi lấy nước trong, nếu không có phèn chua chúng ta lọc cơ học qua một lớp cát. Khi đã có nước trong tiếp tục khử trùng nước bằng chloramine T hoặc B loại 250 mg đỗ vào 25 lít nước khuấy đều, sau 30 phút chúng ta sử dụng. Không ăn rau sống, bảo quản kỹ thức ăn không để ruồi, gián bám vào; thức ăn còn lại phải hâm sôi trước khi ăn; rửa tay bằng xà phòng với nước sạch trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, trẻ bú và sau khi đi vệ sinh. Tích cực tiêu diệt ruồi, gián, chuột. Không phóng uế bừa bãi.

  1. Phòng bệnh đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ là bệnh hay gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, dễ lây lan và phát triển thành dịch. Nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, có thể do tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh như nước bọt, ghèn mắt, nước mắt, dùng chung khăn mặt với người bệnh hoặc tay bị nhiễm mầm bệnh rồi đưa tay lên dụi mắt…

Bệnh có biểu hiện: Mắt ngứa, cộm, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều ghèn mắt. Sau đó mắt đỏ, mi mắt có thể sưng nề, kết mạc phù nề. Lúc đầu một mắt rồi nhanh chóng chuyển sang mắt kia.

Để phòng bệnh người dân cần lưu ý: Dùng nước sạch trong sinh hoạt. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ. Không dùng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, kính mắt, lọ thuốc nhỏ mắt. Khi có biểu hiện đau mắt, cần đến ngay cơ sở y tế để khám mắt và điều trị kịp thời.

  1. Phòng bệnh viêm da ở kẽ ngón chân.

Trong thời gian mưa lụt, người dân thường xuyên ngâm chân trong bùn, nước bẩn, không được rửa sạch, lau khô tạo điều kiện phát sinh gây viêm da, viêm các kẽ ngón chân, nhiễm nấm ở kẻ chân. Các kẽ viêm đỏ, loét, gây đau, ngứa, sưng chân, dịch có mùi hôi.

Phòng bệnh: khi đi qua vùng bị ngập nước nên đi ủng, nếu không có ủng thì sau đó rửa chân bằng nước sạch và xà phòng rồi lau thật khô các kẽ ngón chân. Quần áo giặt sạch, phơi khô mới mặc. Tránh mặc chung quần áo. Không để trẻ chơi đùa những nơi có nước, chất thải.

Để chủ động phòng, chống bệnh dịch sau mưa bão cần thực hiện theo nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Tổ chức thu gom rác thải, xử lý, chôn xác động vật. Phải ăn chín, uống sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng, thực hiện thau rửa giếng, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất đã được cán bộ y tế cấp khử khuẩn nước để sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ màn. Tiêu diệt côn trùng đặc biệt muỗi, gián, ruồi…giữ ấm cho cơ thể và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng./.

Minh Hiền