Trang thông tin điện tử

Sở Y tế

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TÌM HIỂU NỘI SOI TIÊU HÓA KHÔNG ĐAU

1. NỘI SOI TIÊU HÓA KHÔNG ĐAU LÀ GÌ?
Đây là biện pháp an toàn, hiếm khi xuất hiện rủi ro biến chứng và đem lại hiệu quả cao.
Nội soi không đau là sử dụng một loại ống mềm sẽ được dùng để đưa vào đường tiêu hóa giúp phát hiện ra những tổn thương thực thể ở những cơ quan này. Qua đó, Bác sĩ nội soi có thể kết hợp cùng với các thủ thuật cần thiết khác như cắt polyp, cầm máu qua nội soi, lấy dị vật ống tiêu hóa,...
- Nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng không đau: Đưa ống soi vào từ đường miệng qua cổ họng xuống thực quản, vào dạ dày và cuối cùng là tá tràng.
- Nội soi đại tràng - trực tràng không đau: Đưa ống soi vào từ đường hậu môn đến trực tràng, vào đại tràng và cuối cùng là manh tràng.
2. TẠI SAO CẦN NỘI SOI TIÊU HÓA KHÔNG ĐAU
Nội soi tiêu hóa là thủ thuật xâm lấn tối thiểu hiệu quả nhất để chẩn đoán và điều trị các bệnh đường tiêu hóa. Qua nội soi, bác sĩ có thể phát hiện các thương tổn viêm - loét, polyp ở thực quản - dạ dày - tá tràng, nhiễm vi khuẩn HP… ở dạ dày. Cũng như polyp đại tràng, viêm loét đại - trực tràng chảy máu, bệnh Crohn làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng ở đại - trực tràng …
Việc sợ hãi, từ chối thực hiện nội soi tiêu hóa ở những người bệnh có nguy cơ ung thư này sẽ dẫn đến việc chẩn đoán trễ, điều trị trễ hoặc thậm chí là không còn cơ hội chữa khỏi. Trong khi các loại ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng rất phổ biến ở Việt Nam, đều có thể điều trị được nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.
Do đó, người ta đã áp dụng phương pháp nội soi không đau vào nội soi tiêu hóa để giúp người bệnh trải qua quá trình nội soi một cách thoải mái. Ngoài ra, việc người bệnh ngủ trong suốt quá trình nội soi đã làm tăng tính an toàn và hiệu quả của nội soi. Nhờ vào việc giảm các phản ứng bất lợi hoặc thái độ không hợp tác của người bệnh khiến bác sĩ phải kết thúc sớm quá trình nội soi, bỏ sót tổn thương.
3. AI CẦN NỘI SOI
Hình ảnh nội soi đại tràng
Bạn cần nội soi tiêu hóa không đau nếu có một trong các triệu chứng nghi ngờ bệnh lý đường tiêu hóa sau đây:
- Khó nuốt, đau khi nuốt
- Đau bụng
Khó tiêu, đầy hơi
- Ợ chua, ợ nóng
- Buồn nôn, nôn
- Mất cảm giác thèm ăn
- Cảm thấy dễ no dù chỉ ăn ít
- Thay đổi thói quen đi ngoài
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Nôn ra máu
- Phân có nhầy máu, đi tiểu ra máu
- Thiếu máu không rõ nguyên nhân
Sút cân không rõ nguyên nhân
Người bệnh cần nội soi không đau tầm soát hiệu quả ung thư đường tiêu hóa nếu có các yếu tố nguy cơ sau:
- Tất cả đối tượng từ 45 tuổi trở đi
- Trào ngược dạ dày, thực quản lâu năm
- Barrett thực quản, túi thừa thực quản
- Viêm loét dạ dày tá tràng, viêm teo dạ dày, dị sản ruột, nhiễm HP dạ dày
- Đã từng phẫu thuật cắt dạ dày, có polyp dạ dày
- Viêm ruột mạn tính (viêm loét đại trực tràng chảy máu, bệnh Crohn).
- Có polyp đại tràng hoặc đã từng phẫu thuật cắt polyp đại tràng
Hội chứng di truyền: hội chứng Lynch, bệnh đa polyp đại trực tràng gia đình (FAP), hội chứng Peutz-jeghers.
4. CÁC THỦ THUẬT ĐIỀU TRỊ THÔNG QUA NỘI SOI TIÊU HOÁ KHÔNG ĐAU
Ngoài chẩn đoán và theo dõi bệnh, một số thủ thuật có thể được tiến hành cùng lúc với nội soi không đau như:
- Xác định vị trí, lấy mẫu hoặc loại bỏ polyp
- Xác định vị trí và gắp dị vật
- Cắt niêm mạc điều trị ung thư sớm
Lấy mẫu mô sinh thiết
- Gắp giun qua nội soi
- Cầm máu
5. CHÚ Ý TRONG NỘI SOI KHÔNG ĐAU
Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu có tiền sử phản ứng với thuốc gây mê, đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, các bệnh lý và các loại thuốc hiện đang sử dụng như thuốc chống đông máu, cấy ghép máy tạo nhịp tim nhân tạo…
Ngoài ra, khi người bệnh làm nội soi không đau cần có người thân đi cùng để đưa về nhà sau khi nội soi xong. Vì trong và sau khi nội soi gây mê, người bệnh không tỉnh táo và buồn ngủ nên có thể ảnh hưởng vấn đề đi lại, vận hành xe, máy móc…
6. CHUẨN BỊ NỘI SOI TIÊU HOÁ KHÔNG ĐAU KHÁC GÌ SO VỚI NỘI SOI TIÊU HOÁ THÔNG THƯỜNG
Quá trình chuẩn bị trước khi nội soi dạ dày và nội soi đại tràng tương tự như nội soi thông thường:
- Nội soi dạ dày: Cần nhịn ăn ít nhất 6-8 tiếng trước khi nội soi, chỉ uống nước lọc và ngưng uống nước trước khi nội soi 2 tiếng.
- Nội soi đại tràng: Ngày trước khi nội soi nên ăn nhẹ, uống thuốc xổ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Các bước thực hiện nội soi không đau tương tự như nội soi thường. Điểm khác biệt duy nhất là trước tiến hành nội soi, nhân viên y tế sẽ tiêm thuốc tiền mê và người bệnh sẽ ngủ ngay và quá trình nội soi sẽ diễn ra ngay sau đó. Quan trọng là cần báo cho bác sĩ nếu có tiền sử phản ứng với thuốc gây mê. Nếu có phản ứng bất lợi, người  bệnh sẽ được bác sĩ xử lý ngay lập tức.
Sau khi nội soi xong, người bệnh cần ở lại phòng khám ít nhất 30 phút để theo dõi trước khi ra về.
7. LỢI ÍCH VÀ CHI PHÍ CỦA NỘI SOI KHÔNG ĐAU 
Với những lợi ích vượt trội so với nội soi thông thường như:
Đối với những người luôn cảm thấy sợ hãi, ám ảnh vì cảm giác đau và khó chịu khi nội soi thường thì biện pháp nội soi gây mê sẽ giúp người bệnh hết sợ hãi.
Trong nội soi thông thường, các phản ứng của người bệnh như buồn nôn, nôn, giãy dụa có thể gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình kiểm tra đường tiêu hóa. Trong nhiều trường hợp, vì người bệnh phản ứng quá dữ dội, bác sĩ phải chấm dứt sớm quá trình nội soi, có thể bỏ sót một số tổn thương nhỏ. Nội soi không đau hoàn toàn khắc phục được tình trạng này.
Nội soi gây mê sẽ an toàn hơn đối với những trường hợp mắc bệnh về tim mạch, huyết áp,...
Thuốc gây mê/an thần sử dụng trong nội soi là thuốc gây mê trong thời gian ngắn với liều lượng nhẹ. Hầu hết mọi người sẽ không gặp phản ứng bất lợi gì sau khi sử dụng, chỉ cảm thấy buồn ngủ sau đó. do đó không nên tự lái xe, điều khiển máy móc hay ký giấy tờ quan trọng. Một số người có thể bị đau đầu hoặc cảm thấy buồn nôn. Một số hiếm người có thể bị phản ứng với thuốc gây mê.
Vì những ưu điểm vượt trội như vậy nên chi phí nôi soi không đau sẽ có chi phí cao hơn.
Đơn vị Nội soi tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi được trang bị hệ thống nội soi hiện đại của hãng Olympus – Evis Exera III (CV-190), đội ngũ bác sĩ nội soi và bác sĩ gây mê giàu kinh nghiệm cùng kỹ thuật viên chuyên môn cao giúp tăng hiệu quả phát hiện các bệnh lý đường tiêu hóa và tầm soát ung thư đường tiêu hóa với chi phí hợp lý.
Bs CKII Đặng Ánh Nguyệt - Khoa Nội Tiêu hóa
Nguồn: https://bvdk.quangngai.gov.vn/i2629-tim-hieu-noi-soi-tieu-hoa-khong-dau.aspx

Thống kê truy cập

Đang online: 1
Hôm nay: 831
Hôm qua: 3.124
Năm 2025: 86.345
Tất cả: 86.356

THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH