Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Quảng Ngãi: Bệnh tay chân miệng tại giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2022

11/08/2023 13:21    158

Tình hình bệnh tay chân miệng tại tỉnh giảm so với cùng kỳ năm 2022. Số ca mắc tay chân miệng được ghi nhận tại 12/13 huyện, thị xã, thành phố. Riêng huyện Minh Long chưa ghi nhận ca bệnh, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2022

Tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết bệnh tay chân miệng tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận 247 ca mắc tay chân miệng. Bệnh tập trung chủ yếu ở 5 huyện đồng bằng: TP Quảng Ngãi, các huyện: Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Nghĩa Hành. Các huyện miền núi số ca bệnh tay chân miệng và số mắc/100.000 dân thấp hơn so với các huyện đồng bằng; các huyện Sơn Tây, Ba Tơ là những huyện có số ca mắc thấp nhất.

Bác sĩ Phạm Đức Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: các ca mắc tay chân miệng phân bố rải rác, không có ổ dịch tay chân miệng trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay. Các trường hợp bệnh nhân mắc độ 2b trở lên đều được lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang: 9 ca, trong đó kết quả xét nghiệm dương tính với chủng Enterovirus 71 (01 ca), số ca dương tính với Enterovirus (01 ca), âm tính (02 ca), còn lại chưa có kết quả. Số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn chủ yếu là trẻ 0-5 tuổi (98%). Các trường hợp bệnh ở đồng bằng chủ yếu mắc tại nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tư nhân; các huyện còn lại chủ yếu là mắc tại gia đình.

Đánh giá của ngành y tế Quảng Ngãi cho biết, với thời tiết như hiện nay, bệnh Tay chân miệng trong 5 tháng cuối năm còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, cần phải được giám sát thường xuyên và chặt chẽ hơn, tránh cho việc bùng phát thành dịch lớn và không để xảy ra trường hợp tử vong. Chính quyền địa phương cần quan tâm và hỗ trợ cho công tác giám sát, tuyên truyền bệnh tay chân miệng. Tiếp tục và nâng cao tuyên truyền tới từng hộ gia đình, đặc biệt là bà mẹ, người chăm sóc trẻ tại các hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi, giáo viên, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, lãnh đạo chính quyền, đoàn thể tại địa phương về bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng chống bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi... Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ và hướng dẫn cho hộ có bệnh và các hộ lân cận cách xử lý môi trường./.

                                                                                                MINH HIỀN