Phòng chống bệnh sốt xuất huyết
11/10/2021 15:53 287
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa, có khả năng gây thành dịch đe dọa đến tính mạng con người. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng ngừa nên chủ động phòng bệnh là hết sức quan trọng.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch, do virut được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian chủ yếu truyền bệnh sốt xuất huyết. (Aedes aegypti, A. albopictus). Muỗi Aedes aegypti có hình vóc nhỏ, màu đen, có nhiều đốm trắng bạc ở trên thân muỗi, chân muỗi có nhiều khoang trắng (vì thế có tên là muỗi vằn). Muỗi ưa đẻ vào các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà. Muỗi đẻ trứng bám vào thành dụng cụ chứa nước, sau 3 ngày nở ra bọ gậy, 7 ngày sau bọ gậy nở ra loăng quăng hay còn gọi là cung quăng và 3-4 ngày sau nở thành muỗi. Như vậy, từ trứng đến muỗi trưởng thành mất 12-14 ngày. Muỗi trưởng thành hay đậu nơi tối, trên quần áo treo, mùng, dây điện.... Muỗi hoạt động vào ban ngày, chủ yếu vào buổi sáng và chiều tối, thấy người là sà vào đốt ngay. Chỉ có muỗi cái mới hút máu người và truyền bệnh. Khi muỗi cái hút máu người bệnh có virus, virus này sẽ ở trong cơ thể muỗi, ủ bệnh ở từ 8-12 ngày. Sau ngày thứ 12 trở đi, muỗi cái này đốt người thì có nguy cơ truyền bệnh sốt xuất huyết. Khi muỗi đốt người, qua vết cắn virus trong cơ thể muỗi đi vào máu người. Khi virus vào cơ thể người, chúng theo vòng tuần hoàn “chu du” trong đó từ 2-7 ngày. Trong khoảng thời gian này, nếu muỗi hút máu người thì virus được truyền sang muỗi. Người là ổ chứa virus chính.
Bác sỹ Lương Văn Tuấn, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho biết: người bị bệnh sốt xuất huyết thể nhẹ có biểu hiện sốt cao đột ngột từ 39 đến 40oC kéo dài 2 đến 7 ngày kèm theo dấu hiệu có chấm xuất huyết, tức vùng mắt, vùng hạ sườn phải… Sốt xuất huyết thể nặng (giống như thể nhẹ và kèm theo các dấu hiệu): chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu, đi cầu phân đen, choáng váng, vã mồ hôi, hốt hoảng… Sốt xuất huyết hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vac xin phòng bệnh. Bệnh có thể gây tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhưng nếu làm tốt công tác phòng bệnh thì có thể hoàn toàn tránh không bị mắc bệnh sốt xuất huyết. Bác sỹ Lương Văn Tuấn, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho biết cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là:
Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi vằn: các dụng cụ chứa nước trong nhà như bể nước, chum, vại, thùng, lu, xô… cần có nắp đậy. Khi dùng nước xong thì lưu ý phải đậy nắp lại; lọ hoa, chậu hoa, bát kê chạn chống kiến… nên cắm hoa vào những lọ có trộn lẫn cát và nước, hoặc thay nước thường xuyên, các bát chống kiến có thể xử lý bằng bỏ muối ăn, hoặc bằng dầu; những dụng cụ hứng nước của máy làm mát, tủ lạnh, điều hòa... cần được kiểm tra, tháo nước, cọ rửa thường xuyên; nhà cửa ẩm thấp, tối tăm cũng là nơi thuận lợi cho muỗi trú ẩn cho nên cần phải có nhiều ánh sáng tự nhiên bằng cách mở cửa sổ thường xuyên hoặc lợp tôn có ánh sáng; thu xếp quần áo gọn gàng, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát không còn cơ hội cho muỗi trú ẩn để đốt người; xung quanh nhà cần được phát quang, không để những bụi rậm là nơi ẩn nấp của muỗi.
Tiêu diệt bọ gậy loăng quăng: thả cá lia thia, cá vàng, cá bảy màu vào những dụng cụ chứa nước không có nắp đậy, nước dội nhà cầu, nước tưới cây, nước dùng cho trâu bò uống… Làm tốt biện pháp trên, chúng ta đã tạo ra một môi trường không có muỗi vì không có loăng quăng thì không có muỗi và khi không có muỗi thì không có sốt xuất huyết.
Không để muỗi vằn đốt và tiêu diệt muỗi: quần áo phải đủ độ dày và độ rộng để làm giảm nguy cơ bị muỗi đốt, nên mặc quần áo dài tay, đi tất đặc biệt đối với trẻ em, người lớn khi đi làm ngoài vườn hoặc bất kể những chỗ nào mà chúng ta cho là có muỗi; dùng các sản phẩm như nhang diệt muỗi, bình xịt muỗi, vợt điện diệt muỗi, máy hút muỗi để tiêu diệt muỗi; tẩm hóa chất mùng (màn), rèm để diệt muỗi vằn. Khi ngủ trưa cũng cần ngủ trong mùng.
Mỗi chúng ta cần nắm được chu kỳ phát triển, sinh sản và hoạt động của muỗi vằn cũng như các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết sẽ giúp cho chúng ta có thể phòng được bệnh sốt xuất huyết./.
Bài, ảnh: Minh Hiền
Tin liên quan
- Người mắc bệnh đái tháo đường cần lưu ý
- Chủ động phòng đột quỵ não mùa lạnh
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ mùa dịch như thế nào?
- Sau khi tiêm vắc xin bị sốt hay không sốt thì tốt hơn?
- Nhức mỏi mắt "thời COVID" và giải pháp ứng phó
- Tam thất trị sốt xuất huyết
- Cà chua - thuốc thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát
- Thuốc từ cây chùm ngây
- Bài thuốc hỗ trợ trị viêm đường hô hấp cấp
- Một số bài thuốc tốt từ sinh vật biển