Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị bệnh hen

03/05/2023 13:11    192

Hen là bệnh lý viêm mãn tính đường thở kết hợp với tăng phản ứng của đường dẫn khí gây nên triệu chứng khò khè, khó thở, nặng ngực và ho, nhiều nhất là về đêm hay sáng sớm, bệnh hay tái đi tái lại. Các triệu chứng của hen phế quản biểu hiện khác nhau ở mỗi trẻ và trên cùng một trẻ tùy từng thời điểm. Ở nước ta, hen phế quản là nguyên nhân nhập viện số một ở trẻ em dưới 15 tuổi và xếp hàng đầu đối với các bệnh mạn tính. Bệnh hen làm mất đi khoảng 10 triệu ngày học hàng năm của học sinh.

Để kiểm soát tốt được bệnh, các bậc phụ huynh có con bị hen cần theo dõi sức khỏe của trẻ sát sao nhằm phát hiện kịp thời các triệu chứng khi lên cơn hen để có biện pháp điều trị phù hợp và kịp thời, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng về sau.

Bác sỹ Nguyễn Thị Cẩm Linh, Khoa Nhi Hô hấp Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Biểu hiện đầu tiên của bệnh hen là ho, ho khang, ho nhiều vào nửa đêm về sáng, ho sau khi thay đổi thời tiết, khi gắng sức và khi tiếp xúc hoặc ăn chất gì đó gây dị ứng cho bé. Một số trường hợp là ho có đờm.  Thường khò khè đường phổi. Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất, chúng ta có thể nghe khi ngồi gần bé hoặc áp tai vào lưng, tuy nhiên tiếng khò khè cũng rất dễ nhầm lẫn với tiếng nghẹt mũi, viêm họng hoặc V.A. Triệu chứng nữa là khó thở, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi. Đối với những trẻ lớn thì khi khó thở sẽ không nói được tròn chữ và cảm giác đau tức ngực.

Phần nhiều trong số các triệu chứng của bệnh hen phế quản biểu hiện tương tự với một số bệnh lý khác. Do vậy người bệnh cũng như những người chăm sóc bệnh nhân cần theo dõi kỹ để chẩn đoán đúng và phát hiện bệnh kịp thời.

Khi chăm sóc trẻ bị hen cần biết yếu tố khởi phát cơn hen và tránh tiếp xúc với yếu tố khởi phát cơn hen đó. Đầu tiên hạn chế tiếp xúc với lông chó lông mèo, nấm mốc, không hút thuốc lá gần trẻ, không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông. Nơi trẻ ở cần trong lành, thoáng khí, cần được dọn dẹp sạch sẽ, chăn màn nên giặt nước ấm và phơi khô. Tránh dùng các chất xịt mũi hay nước hoa xịt phòng có thể làm khởi phát cơn hen. Khi trẻ lên cơn hen nặng thì bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.” Bác sỹ Nguyễn Thị Cẩm Linh cho biết thêm.

Bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như: Xẹp phổi; nhiễm khuẩn phế quản; tràn khí màng phổi; suy hô hấp... ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh cũng như đe dọa tính mạng nếu không được xử trí hợp lý và kịp thời. Theo thời gian, mức độ của triệu chứng có thể tốt hơn hoặc tệ đi. Các triệu chứng sẽ nặng hơn vào thời điểm ban đêm, sáng sớm, khi trẻ gắng sức hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây khởi phát cơn hen do vậy các bậc cha mẹ cần chú ý.

                                                                                      Kim Liên