Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống dịch COVID-19

30/10/2023 03:39    175

Sáng 29-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với các địa phương. Tham dự tại điểm cầu Quảng Ngãi có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.

Đại dịch COVID-19 ghi nhận các ca bệnh đầu tiên cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc; sau đó dịch bệnh nhanh chóng lây lan và bùng phát tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

Ngày 05/5/2023, sau hơn 03 năm xảy ra đại dịch, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế; tại thời điểm này thế giới ghi nhận trên 696 triệu trường hợp mắc tại 231 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có trên 6,9 triệu trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, trường hợp mắc bệnh đầu tiên ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh ngày 23/01/2020. Tính đến nay, trải qua 02 giai đoạn chống dịch và 04 đợt bùng phát dịch, cả nước đã ghi nhận trên 11,6 triệu trường hợp mắc; hơn 99% số mắc được ghi nhận trong giai đoạn 2020-2022.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp chống dịch phù hợp; dịch bệnh đã từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả; góp phần quan trọng và tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực; được Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Ngày 20/10/2023, COVID-19 đã chính thức được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B tại Việt Nam.

Tính đến 31/12/2022, cả nước đã huy động được khoảng 230.000 tỷ đồng trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bao gồm ngân sách nhà nước là 186.400 tỷ đồng và viện trợ, tài trợ khoảng 43.600 tỷ đồng, trong đó đã huy động trên 11.600 tỷ đồng cho Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 để mua, nhập khẩu, hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng COVID-19; mua và tiếp nhận 259,3 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19.

Tính đến nay, cả nước đã tiêm hơn 266,5 triệu mũi vắc xin phòng COVID-19, tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%, tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đạt 69,4%, tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 82,1%, tỷ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 92,5% và 76,7%. Chiến dịch vắc xin giúp Việt Nam “xoay chuyển tình thế” trở thành quốc gia “đi sau về trước” trong tiêm chủng, là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên thế giới.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân chủ trì tại điểm cầu Quảng Ngãi

Tại Quảng Ngãi, ngày 10/7/2020, ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại tỉnh, là người nhập cảnh, đến ngày 26/7/2020 ghi nhận ca bệnh cộng đồng đầu tiên. Tính đến ngày 26/3/2023, toàn tỉnh ghi nhận trên 50.100 trường hợp mắc bệnh COVID-19.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn ở thời điểm các đợt bùng phát dịch cơ bản được kiểm soát, đảm bảo cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi năm 2020, 2021, 2022 đều hoàn thành, một số chỉ tiêu hoàn thành ở mức cao.

Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đúc kết 9 bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch, cụ thể là sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan, giữa các địa phương; việc chủ động từ sớm, từ xa, từ ngay cơ sở; bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả; tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, phù hợp, sát thực tiễn; nâng cao năng lực hệ thống y tế, y tế dự phòng, y tế cơ sở; sự minh bạch trong việc cung cấp thông tin, truyền thông sâu rộng; việc thực hiện đồng bộ vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế; chủ động, tích cực tăng cường hợp tác, ngoại giao y tế với các quốc gia, tổ chức quốc tế.