Phòng thiếu sắt cho phụ nữ mang thai
17/11/2021 15:04 351
Thưa quí vị và các bạn, bình thường qua con đường ăn uống hàng ngày nếu nạp đầy đủ chất dinh dưỡng thì lượng sắt cũng sẽ cung cấp đủ cho nhu cầu của cơ thể. Tuy nhiên, khi phụ nữ mắc một số bệnh, hoặc phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai thì nhu cầu sắt của cơ thể sẽ tăng lên. Chúng ta cần chú ý bổ sung sắt cho phụ nữ đang mang thai và biết cách phòng chống bệnh thiếu máu do thiếu sắt để tránh những hậu quả đáng tiếc
Cơ thể con người không thể tự tổng hợp được sắt, mà được cung cấp từ nguồn thực phẩm. Lượng sắt vào cơ thể qua con đường ăn uống nhưng nếu thức ăn nghèo nàn, đơn điệu; thức ăn nguồn gốc động vật bị thiếu hoặc ít thì lượng sắt ăn vào không đủ sẽ dẫn đến thiếu sắt. Có thai, ăn uống không đảm bảo có thể được coi là nguyên nhân chính gây thiếu sắt ở phụ nữ trong thời gian mang thai.
Bác sĩ Châu Văn Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: bình thường, một người nặng 60 kg thì có khoảng 4g sắt. Nhu cầu hàng ngày về sắt ở nam giới khoảng 10mg/ngày ở nữ giới là 15mg/ngày. Nhu cầu này khi phụ nữ có thai ở những tháng cuối cùng của thai kỳ sẽ tăng đến 19-21mg/ngày. Có thể nói nhu cầu sắt trong thời gian mang thai là cao nhất trong các giai đoạn của cuộc đời. Để đảm bảo đủ sắt trong thời kỳ mang thai, chúng ta hãy thực hiện một số biện pháp sau. Thiếu sắt thường là do hậu quả của chế độ ăn uống không đầy đủ chất sắt. Để khắc phục tình trạng này thì: Cần đa dạng hóa bữa ăn, nên chọn thực phẩm giàu chất sắt và thực phẩm giúp hấp thu tốt chất sắt. Sắt có nhiều trong gan, thịt, cá, trứng, đậu, rau xanh. Cũng có thể sử dụng các thực phẩm có tăng cường sắt, bổ sung sắt vào thức ăn, như: sắt tăng cường vào nước mắm, bánh bích quy, bột dinh dưỡng, hoặc viên đa vitamin khoáng chất.
Cũng cần phải biết rằng, sắt từ nguồn thực phẩm động vật sẽ hấp thụ vào cơ thể tốt hơn là sắt có từ nguồn thực phẩm thực vật. Nếu bữa ăn có dùng kèm thực phẩm lên men như dưa chua, dưa giá, hoặc dùng các loại trái cây giàu vitamin C như cam, bưởi, sơ ri, thơm để tráng miệng, thì sẽ giúp việc hấp thụ chất sắt tốt hơn. Những thực phẩm sau đây sẽ làm hạn chế việc hấp thu sắt, vì có chất ta – nanh, như nước trà, cà phê, coca và một số loại rau có vị chát; phần vỏ của các hạt ngũ cốc. Vì thế không nên uống trà đặc, không nên uống cà phê hay coca sau bữa ăn.
Bác sĩ Châu Văn Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến cáo: Cải thiện bữa ăn, lựa chọn các thức ăn động vật giàu sắt, thức ăn giàu vitamin C giúp cải thiện tình trạng thiếu sắt ở phụ nữ có thai. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, lượng sắt thực tế hiện nay của bữa ǎn người Việt Nam chỉ đạt khoảng 30% - 50% nhu cầu của cơ thể. Đây chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt, nhất là người dân sống ở vùng nông thôn. Vì vậy, việc bổ sung viên sắt cho phụ nữ mang thai phải được thực hiện ngay khi bà mẹ có thai đến khám lần đầu và đều đặn bổ sung viên sắt trong suốt thời gian mang thai cho tới sau khi sinh 1 tháng. Liều bổ sung là 60mg sắt nguyên tố/ngày, thường dùng kèm theo cả acid folic 400mcg/ngày.
Vì vậy, cải thiện bữa ăn, bổ sung kịp thời viên sắt và axit folic là chìa khoá để giải quyết tình trạng thiếu sắt, thiếu máu trong thời kỳ mang thai nói riêng và phụ nữ tuổi sinh đẻ nói chung ở Quảng Ngãi hiện nay. Đây cũng là chìa khoá để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi tại Quảng Ngãi. Khi đi khám thai định kỳ, cán bộ y tế sẽ tư vấn giúp bạn giải quyết tình trạng thiếu sắt, thiếu máu này. Chúc các bạn thành công./.
Minh Hiền
Tin liên quan
- Phòng chống bệnh sốt xuất huyết
- Người mắc bệnh đái tháo đường cần lưu ý
- Chủ động phòng đột quỵ não mùa lạnh
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ mùa dịch như thế nào?
- Sau khi tiêm vắc xin bị sốt hay không sốt thì tốt hơn?
- Nhức mỏi mắt "thời COVID" và giải pháp ứng phó
- Tam thất trị sốt xuất huyết
- Cà chua - thuốc thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát
- Thuốc từ cây chùm ngây
- Bài thuốc hỗ trợ trị viêm đường hô hấp cấp