Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Người mẹ khi mang thai xét nghiệm HIV để phòng lây từ mẹ sang con

25/11/2021 16:17    568

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 đã được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm lựa chọn với chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID - 19”. Tình hình dịch COVID – 19 đang diễn biến phức tạp người mẹ mang thai mà nhiễm SARS – CoV – 2 thì càng nguy hiểm cho thai nhi. Người mẹ có thai mà bị HIV thì có thể lây cho con qua các thời kỳ: Khi thai nằm trong bụng mẹ, khi thai đi qua đường sinh dục (đẻ tự nhiên) và khi cho con bú sữa mẹ.

Bác sĩ Châu Văn Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo: để phòng lây nhiễm cho con thì người mẹ cần phải chú ý:

Khi thai còn nằm trong bụng mẹ.

          Thời kỳ này, HIV lây truyền từ mẹ sang con qua bánh rau, người ta gọi đây là sự lây truyền dọc. Có từ 20-30% trẻ sinh ra bị lây bằng con đường này. Thực tế cũng cho thấy HIV được truyền từ mẹ sang con từ rất sớm và kéo dài suốt cả thời kỳ mang thai. Nguyên nhân là do các màng ngăn của rau thai bình thường nó ngăn chặn không cho các loại vi rút chui qua mà chỉ cho những chất dinh dưỡng, các chất kháng thể.... đi qua để nuôi dưỡng, bảo vệ thai nhi mà thôi. Khi rau thai mà ở đây là màng ngăn bị tổn thương thì HIV len lỏi để sang thai nhi và gây nên tình trạng nhiễm HIV khi trẻ mới sinh ra. Tình trạng màng ngăn có vấn đề còn có thể gặp khi tình trạng sức khỏe của bánh rau không tốt có thể do nhiễm khuẩn, có thể do giai đoạn cuối của thai kỳ, lúc này một số tế bào của mẹ có thể qua và vi rút bám vào đó để cùng chui qua....Tình trạng vi rút qua bánh rau đến thai nhi còn gặp khi: Tuổi mẹ càng cao thì tỷ lệ lây truyền tăng; nồng độ HIV trong máu cao; khi mẹ chuyển sang giai đoạn AIDS; mẹ bị nhiễm thêm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng cũng làm tăng nguy cơ chuyển HIV sang cho thai.

          Cách phòng tốt nhất là các bà mẹ không nên có thai khi mình bị HIV/AIDS. Bởi đứa trẻ sinh ra rất dễ bị nhiễm HIV và khi đã bị đứa trẻ cũng chỉ sống 5-7 tuổi hoặc nếu không bị nhiễm HIV thì đứa trẻ cũng sẽ bị mồ côi mẹ. Nếu không thể được thì nên có sự chuẩn bị kỹ về mặt tâm lý và phải được tư vấn cẩn thận. Khi mang thai phải được điều trị sớm thuốc kháng vi rút. Phải được giữ vệ sinh sạch sẽ, không để mắc các bệnh nhiễm trùng khác.

Mẹ lây cho con khi thai qua đường sinh dục (đẻ tự nhiên).

Những nhà khoa học đã đưa ra những kết quả theo dõi là trong các trường hợp sinh đôi thì đứa sinh ra trước bị nhiễm HIV nhiều hơn đứa ra sau. Lý giải nó người ta cho rằng đứa trẻ ra trước đã tiếp xúc nhiều với các chất dịch của người mẹ. Ngoài ra cơn go tử cung mạnh cũng tạo đẩy máu mẹ qua thai nhi có mang HIV cho con nhiều hơn. Các trường hợp bị tổn thương đường sinh dục của người mẹ làm cho trẻ nuốt phải các dịch (dịch đường sinh dục, máu..) của mẹ nhiều, tiếp xúc với niêm mạc, đặc biệt niêm mạc mắt cũng nhiều hơn càng làm trẻ bị nhiễm HIV cao hơn.

          Cách phòng tốt nhất là mổ đẻ khi bắt đầu chuyển dạ. Nếu không được thì phải chú ý đến khâu vệ sinh, có thể thụt rửa âm đạo bằng các dung dịch diệt vi rút. Hạn chế thấp nhất gây nên các tổn thương bộ phận đường sinh dục. Kết thúc cuộc đẻ càng sớm càng tốt. Uống thuốc kháng HIV.

Mẹ lây sang con khi cho con bú.

          Bằng chứng cho việc người mẹ nhiễm HIV truyền sang cho con khi cho bú là: Bà mẹ sau khi đẻ phải truyền máu không an toàn có HIV, sau đó cho con bú và đứa con đã bị nhiễm HIV. Nguy cơ lây nhiễm giai đoạn này kéo dài trong suốt thời gian cho con bú. Sữa mẹ sau khi đẻ có nồng độ HIV cao và sau đó giảm dần. HIV trong máu của mẹ có thể qua các vết nứt của vú mẹ xâm nhập vào đứa trẻ qua các thương tổn do trẻ bị tưa miệng, viêm lợi, viêm lưỡi. Tỷ lệ lây truyền HIV sang con qua bú sữa mẹ tăng lên khi người mẹ đã chuyển sang gia đoạn AIDS, hoặc người mẹ bị nhiễm HIV trong khi đang cho con bú (do lúc mới bị nhiễm thì nồng độ vi rút trong máu mẹ rất cao).

Cách phòng tốt nhất là không cho bú sữa mẹ. Dùng thuốc kháng HIV cho mẹ và con. Người ta đang nghiên cứu máy lọc sữa loại trừ HIV, nếu thành công nó sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm HIV thông qua việc bú sữa mẹ

Khi mang thai, xét nghiệm cho mẹ vì sức khỏe của con.

Trong cuộc sống, đôi khi có những hành vi tưởng chừng như vô hại nhưng thực ra lại là những hành vi gây hại cho bản thân người phụ nữ như: quan hệ tình dục không dùng bao cao su, sử dụng chung dụng cụ bấm móng tay, xăm, trổ… dùng chung bơm kim tiêm… đây là những hành vi có thể làm lây nhiễm HIV. Chỉ có xét nghiệm HIV, người mẹ mới biết mình có bị nhiễm HIV hay không.

Khi bị nhiễm HIV, người mẹ sẽ được tư vấn, dùng thuốc để tránh lây cho con. Việc dùng thuốc kháng HIV đủ liều, đúng cách, dùng sớm cho bà mẹ nhiễm HIV khi mang thai góp phần làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV cho trẻ xuống còn dưới 5%. Đây thực sự là một giải pháp hạn chế lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Không tốn kém cũng không mất nhiều thời gian, chỉ cần đến để được tư vấn, can thiệp, một kiếp người, một cuộc đời sẽ được cứu sống, vậy mà không phải bà mẹ nhiễm HIV nào cũng chịu thực hiện. Do vậy, những phụ nữ có thai hãy đi xét nghiệm HIV vì sức khỏe cho đứa con mà mình sắp sinh ra./.

Minh Hiền