Người mắc bệnh đái tháo đường cần lưu ý
01/10/2021 16:08 337
Đái tháo đường (tiểu đường) là một nhóm các bệnh chuyển hóa có đặc điểm là tăng đường máu. Tăng đường máu kéo dài là nguyên nhân gây ra các biến chứng về thận, mắt, thần kinh, tim, mạch máu… Là bệnh mạn tính hiện nay chưa chữa khỏi được do đó người bệnh nên tìm cách sống chung với nó. Chế độ ăn uống cân bằng, việc luyện tập thể dục thể thao có ảnh hưởng tích cực tới tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Bác sĩ Chuyên khoa Nội tiết Đặng Văn Điểm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa chia sẻ những cách đơn giản sau sẽ giúp người bệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mình giảm bớt những biến chứng, tạo cuộc sống vui khỏe.
- Chế độ ăn cho người bệnh:
Người bệnh không được bỏ bữa, ăn những thức ăn có nhiều xơ, đủ vitamin và giảm ăn thức ăn có nhiều chất béo. Nên dùng cá và rau trước, sau cùng mới dùng đến chất bột. Cơ cấu bữa ăn cần tuân thủ: 15% chất đạm, 35% chất béo, 50% chất đường bột, không sử dụng các thức ăn có đường ngọt. Tổ chức các bữa ăn vào những giờ nhất định. Chia nhỏ các bữa ăn, tăng số bữa ăn. Không được bỏ bữa rồi sau đó ăn bù. Một ngày nên ăn 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ. Hạn chế ăn những thức ăn có chứa đường hấp thu nhanh như bánh kẹo, nước ngọt, mứt, đu đủ, xoài…; những thức ăn làm từ bột, gạo, ngũ cốc… chứa ít đường hấp thu nhanh nên tốt cho người bệnh. Điều này giúp cho ổn định lượng đường ở trong máu không cao quá cũng không thấp quá. Ăn những thức ăn có nhiều chất xơ như: ngũ cốc nguyên hạt (gạo lức), bánh mỳ, gạo, một số loại đậu…các loại rau xanh, trái cây. Chất xơ có tác dụng giảm cholesterol, phòng táo bón rất phù hợp cho người bệnh. Dùng các loại dầu phụng, dầu mè, dầu ô liu, dầu dừa thay cho mỡ động vật. Hạn chế ăn lòng, tim, gan, ruột; lòng đỏ trứng; da thịt gà, thịt vịt. Nên dùng cá 3-4 bữa trong tuần. Dùng các loại thịt nạc. Dùng một lượng muối vừa phải, không quá 6 gam/ ngày – tương đương một muỗng cà phê. Hạn chế tối đa sử dụng rượu, bia, thức uống có cồn. Chế biến thức ăn dạng luộc và nấu là chính, không rán, rang với mỡ.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân:
Thường xuyên kiểm tra da để phát hiện kịp thời các tổn thương của da dù là vết thương nhỏ nhất. Có thể dùng gương để quan sát các tổn thương ở lưng, ở mông, vai…hoặc nhờ người khác xem hộ. Kiểm tra chân hàng ngày nhằm phát hiện các vết thương, phồng, chai, rộp, nứt. Mang giầy đúng cỡ, không quá chật cũng không quá lỏng vì như vậy sẽ làm chân bị tổn thương, bị phồng, rộp. Khi bị vết thương ở chân cần được chăm sóc, điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc. Không tự ý điều trị. Móng chân, móng tay nên cắt sau khi tắm xong. Không nên cố gắng cắt sát phần góc của ngón sẽ khiến bị tổn thương và chảy máu. Rửa chân hằng ngày bằng nước ấm, sau đó lau khô nhẹ bằng vải mềm, đặc biệt là kẽ giữa các ngón chân. Không bao giờ đi chân đất: Đi giày dép thường xuyên, kể cả khi đi trong nhà. Với những người bệnh phải nằm trên giường cần phải được xoay, trở 2-3 giờ một lần. Nằm nệm chống loét. Trải drap thẳng không dồn cục…
- Tập thể dục đều đặn các ngày trong tuần:
Duy trì hoạt động thể lực ở mức cho phép. Tập luyện cần phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe và sở thích. Mỗi người nên cố gắng tập thể lực là 30 phút/ ngày, ít nhất 5 ngày/ tuần. Riêng đối với người mắc bệnh nặng thì ít nhất 3 ngày/ tuần. Không nên tập luyện đột ngột với cường độ lớn và tập quá sức.
- Nhận biết một số dấu hiệu nguy hiểm:
Hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết là 2 dấu hiệu thường gặp gây nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh. Khi hạ đường huyết người bệnh thường giống như khi bị đói nhưng nặng hơn nhiều và thường có các biểu hiện: run rẩy, đói, vã mồ hôi, đánh trống ngực, bứt rứt (nếu hạ đường huyết nhanh); nhức đầu, nhìn đôi, chóng mặt, tê lưỡi và môi, đi lảo đảo, co giật và hôn mê (nếu hạ đường huyết chậm). Những người bệnh đái tháo đường đã lâu và đã có những biến chứng về thần kinh, tim mạch hoặc những người bệnh đã bị hạ đường huyết nhiều lần, người bệnh dùng thuốc suy tim, hạ huyết áp… thì biểu hiện rất mờ nhạt, thậm chí không có biểu hiện gì rõ nét cả. Người bệnh có thể đột ngột đi vào hôn mê mà không có biểu hiện báo trước. Khi nghi ngờ hạ đường huyết thì phải đo đường máu ngay, nếu dưới 4mmol/l (milimol / lít)thì chắc chắn là đã bị hạ đường huyết. Khi bị tăng đường huyết người bệnh thường có biểu hiện khát nhiều, tiểu nhiều và buồn ngủ… Đo đường huyết để kiểm soát đường huyết được tốt hơn, phát hiện sớm hạ/ tăng đường huyết để kịp thời có hướng xử trí.
- Tuân thủ chế độ điều trị:
Đây là bệnh mãn tính và phải uống thuốc suốt cả cuộc đời. Cho nên những loại thuốc lá, loại cây, loại rễ chỉ có thể góp phần, mang tính chất hỗ trợ mà thôi. Người bệnh vẫn phải tuân thủ dùng thuốc uống, thuốc chích theo hướng dẫn của bác sĩ. Dùng thuốc đều đặn, đúng giờ, đúng liều. Không được tự ý dừng thuốc, đổi thuốc khi chưa có ý kiến của thầy thuốc. Mục đích trong điều trị đái tháo đường là duy trì đường huyết ổn định, tránh đường huyết tăng/ giảm quá mức điều này không có lợi cho sức khỏe; biến chứng dễ xảy ra. Thường xuyên theo dõi đường huyết để có điều chỉnh chế độ điều trị cho phù hợp.
Ngoài những lưu ý trên, người bệnh đái tháo đường cần đảm bảo ngủ đủ giấc, giữ tâm hồn thanh thản, tránh stress, căng thẳng thần kinh. Khi có các thay đổi về thị lực như nhìn mờ, kém thì phải báo ngay cho thầy thuốc. Định kỳ kiểm tra sức khỏe và tình hình bệnh để thầy thuốc điều chỉnh cho phù hợp./.
Minh Hiền
Tin liên quan
- Chủ động phòng đột quỵ não mùa lạnh
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ mùa dịch như thế nào?
- Sau khi tiêm vắc xin bị sốt hay không sốt thì tốt hơn?
- Nhức mỏi mắt "thời COVID" và giải pháp ứng phó
- Tam thất trị sốt xuất huyết
- Cà chua - thuốc thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát
- Thuốc từ cây chùm ngây
- Bài thuốc hỗ trợ trị viêm đường hô hấp cấp
- Một số bài thuốc tốt từ sinh vật biển
- Cây lu lu thanh nhiệt, giải độc