Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DÂN SỐ

16/10/2024 15:00    33

Tuổi thọ trung bình của người cao tuổi tăng lên nhưng sức khỏe suy giảm, các cơ quan trong cơ thể lão hóa dần, sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trở thành một ưu tiên cấp thiết.

Bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Quang Thân - Trưởng khoa Nội tim mạch bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, giúp người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe để nâng cao chất lượng cuộc sống và phát huy vai trò của mình trong cộng đồng nhằm thích ứng tình trạng già hóa dân số, góp phần nâng cao chất lượng dân số:

Luyện tập:

Người cao tuổi sức đề kháng giảm, sức bền thể lực cũng giảm nên cần có kế hoạch luyện tập phù hợp với cơ thể để duy trì sức khỏe tốt. Tùy theo tình trạng sức khỏe, thể lực, bệnh tật, tuổi tác, điều kiện và những luyện tập trước đó mỗi người tự chọn cho mình 1 hoặc nhiều phương pháp rèn luyện như: đi bộ, chạy chậm, bơi, cầu lông, tennis, dưỡng sinh, yoga… nên tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ phù hợp. Khi luyện tập cần lưu ý: không gắng sức kéo dài, mệt là nghỉ ngay, kể cả khi đang đi bộ. Không tập quá nặng, hoạt động thể lực vừa phải, thời gian không quá dài, 30-45 phút/mỗi ngày, 5 ngày/1 tuần là đủ.

Ăn uống hợp lý:

Người cao tuổi, các chức năng chuyển hóa, đào thải giảm và bị rối loạn khi tuổi càng tăng. Ăn uống không hợp lý dễ phát sinh các bệnh như đái tháo đường, béo phì do ăn nhiều chất bột, đường, bánh kẹo; ăn nhiều mỡ đặc biệt mỡ động vật dễ dẫn đến xơ vữa động mạch; ăn nhiều chất đạm động vật, hải sản, uống nhiều rượu, bia dễ bị bệnh gout, tim mạch, huyết áp và các bệnh chuyển hóa khác... Do vậy, khẩu phần ăn phải cân đối bốn nhóm chất: tinh bột, đạm, dầu mỡ và rau xanh. Tăng ăn cá, rau xanh, hoa quả. Hạn chế ăn thịt, mỡ động vật, nên thay bằng dầu thực vật. Cần bổ sung thêm can xi có trong cá con, tôm, cua, xương hầm, sữa... Uống đủ nước, nên uống mỗi ngày 3-5 ly nước lớn.

 Những điều cần tránh: Ăn quá no, ăn nhanh, không đúng giờ giấc, tranh luận trong khi ăn, sử dụng nhiều rượu bia, ăn mặn, các thực phẩm đóng hộp. Hạn chế dùng các loại nước ngọt, nước có ga.

Đảm bảo giấc ngủ ban đêm:

Người già hay bị rối loạn giấc ngủ do vậy thường ngủ gà, ngủ gật ban ngày nhưng ban đêm không ngủ được, ngủ ít, không ngon giấc, khó ngủ khi có các tiếng động, ồn ào, nóng hoặc lạnh quá. Để đảm bảo giấc ngủ cần tập thói quen ngủ và dậy vào những giờ nhất định, không ngủ ngày nhiều. Chuẩn bị tốt chỗ ngủ, thoáng, không có gió lùa, ấm về mùa đông, cách xa lối đi lại. Thực hiện 3 không: Không thức quá khuya để xem ti vi, đọc sách; không ăn quá no, uống nhiều nước vào buổi tối; không uống cà phê, trà đậm, chất kích thích trước khi đi ngủ. Điều trị các bệnh liên quan đến rối loạn giấc ngủ, đặc biệt bệnh đi tiểu nhiều vào ban đêm.

Phát hiện bệnh sớm:

Ở người già, triệu chứng bệnh thường không ồ ạt, không rầm rộ. Khi toàn phát cũng không rõ ràng, ít khi điển hình. Người già hay mắc nhiều bệnh cùng lúc. Vì vậy, phát hiện bệnh khó và chậm. Để phát hiện bệnh sớm, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường thì phải đi khám ngay. Định kỳ 6 tháng 1 lần khám sức khỏe, nhất là về tim mạch, huyết áp, xét nghiệm tổng quát các yếu tố nguy cơ (đường máu, mỡ máu, chức năng gan, thận).  Những người mắc bệnh tăng huyết áp, mạch vành, suy tim, đái tháo đường… cần phải được khám định kỳ đúng hẹn, tuân thủ điều trị, thực hiện theo đúng lời khuyên của thầy thuốc.

Người cao tuổi sống khỏe là đem lại chất lượng cuộc sống và hạnh phúc cho chính mình, là niềm vui của con cháu. Muốn có sức khỏe tốt người cao tuổi cần lưu ý trong chế độ luyện tập, ăn uống, giấc ngủ cũng như khám sức khỏe định kỳ.

 

                                                                      Bài, ảnh MINH HIỀN