Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Phòng ngừa ngộ độc nấm

10/08/2021 15:21    584

Nấm là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, mùi vị thơm ngon, được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, nếu không phân biệt được giữa nấm ăn được và nấm độc mà thu hái, sử dụng sẽ dẫn đến ngộ độc và gây chết người khi không được sơ cứu, điều trị kịp thời.

Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau, trong đó có những loài có độc tố gây chết người như nấm độc tán trắng, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm độc trắng hình nón, nấm mũ khía nâu xám... Độc tố nằm trong toàn bộ cây nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm) và bền vững ở nhiệt độ cao, không thể phá hủy trong quá trình chế biến như nấu chín, đóng hộp, làm lạnh…. Nấm thường phát triển mạnh vào mùa xuân-hè hoặc sau những cơn mưa lớn hè thu, sau đợt mưa dầm kéo dài là môi trường thuận lợi cho các loại nấm tự nhiên sinh sôi, nảy nở trong đó có nấm độc.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, số người bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải nấm độc dẫn đến tử vong trong những năm qua có xu hướng tăng cao, đặc biệt là ở những vùng cao, miền núi. Năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra 02 vụ ngộ độc do ăn nấm độc tại hai huyện Sơn Tây và Trà Bồng làm 03 người chết và 09 người phải nhập viện để điều trị. Nguyên nhân chính là do người dân không phân biệt được giữa nấm ăn được và nấm độc, chủ quan khi thu hái và sử dụng các loại nấm không rõ nguồn gốc.

Để nhận biết nấm độc người ta căn cứ vào hình thể, màu sắc, kích thước... để phân loại ra các loại nấm ăn được và nấm độc

- Nấm có đủ: mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc.

- Bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc.

- Kinh nghiệm dân gian cho rằng: nấm độc là nấm thường có màu sắc sặc sỡ, nấm có mấu, thân không dài, có vị đắng, mùi thối, nấm nát, thay đổi màu sắc.

Chính vì vậy, để phòng chống ngộ độc do nấm, người dân cần biết và tuân thủ một số nguyên tắc sau:

Một, chỉ sử dụng khi biết chắc chắn nấm ăn được; tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại kể cả nấm màu trắng, nấm có đủ các phần của thể quả, đặc biệt là nấm có đủ vòng cuống, bao gốc dù chỉ một lần.    

Hai, không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc; không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.

Ba, khi bị ngộ độc nấm cần phải xử lý gây nôn cho người bị ngộ độc và nhanh chóng đưa  đến cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời. Khi đi, mang theo mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn được chế biến từ nấm để sơ bộ xác định loại nấm giúp công tác cấp cứu và điều trị được thuận lợi hơn.

Vì sức khoẻ mọi người, hãy thận trọng hơn trong việc hái và sử dụng nấm!

                        Xuân Huệ, Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi