Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Công tác dân số và phát triển trong tình hình mới

08/06/2023 12:31    160

Với định hướng tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số (DS) từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang DS và phát triển theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngành DS nỗ lực thực hiện mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu DS vàng, thích ứng với già hóa DS, phân bố DS hợp lý, nâng cao chất lượng DS, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Nhiều kết quả tích cực

Những năm qua, công tác DS đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, đã khống chế được tốc độ gia tăng DS thành công, đạt mức sinh thay thế từ 2,5 con năm 1999 xuống còn 2,3 con vào năm 2022. Tỷ suất sinh thô giảm từ 15,85‰ năm 2009 xuống còn 8,6‰ năm 2022. DS trung bình năm 2022 là hơn 1,2 triệu người với tỷ lệ tăng DS tự nhiên còn 8,4‰. 

Chất lượng DS đã từng bước được cải thiện. Tỷ suất chết ở trẻ em dưới 5 tuổi còn 11,0‰ vào năm 2022. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi còn 12,5% trong năm 2022. Tầm vóc, thể lực của người dân có bước cải thiện. Tỷ lệ cặp vợ chồng khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát, phát hiện, can thiệp kịp thời các bệnh, dị tật bẩm sinh năm sau cao hơn năm trước. Theo đại diện Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, từ năm 2007 đến nay, Quảng Ngãi đang ở giai đoạn cơ cấu DS vàng. DS dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 39,52% vào năm 1989 xuống 24,0% vào năm 2019; tương ứng với DS trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) tăng từ 54,75% lên 65,5%; DS 65 tuổi trở lên tăng từ 5,73% lên 10,5%.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về DS-KHHGĐ của các cấp, các ngành và người dân đã có chuyển biến tích cực. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan toả, thấm sâu trong toàn xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình mở rộng và chất lượng từng bước được nâng cao...

Đối diện nhiều thách thức

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác DS trên địa bàn còn đối mặt với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh năm 2017 là 111,01 bé trai/100 bé gái, năm 2022 đã giảm xuống 110,9 bé trai/100 bé gái, vẫn còn ở mức cao so với quy luật tự nhiên (103 - 107 bé trai/100 bé gái). Vấn đề di cư diễn ra với cường độ mạnh, quy mô DS có tính ổn định nhưng chưa bền vững do tỷ suất xuất cư còn chênh lệch quá cao so với tỷ suất nhập cư.

Đối với công tác truyền thông, giáo dục về DS ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao. Nội dung truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, chủ yếu tập trung vào KHHGĐ. Chị Phan Thị Lệ Duyên, viên chức y tế kiêm DS xã Hành Phước cho hay, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, biến động về đội ngũ nhân sự làm công tác DS ở cơ sở đã làm gián đoạn một số hoạt động tư vấn, truyền thông của chương trình DS và phát triển ở địa phương. Công tác DS ở cơ sở chỉ mới ổn định trở lại khoảng 1 năm trở lại đây.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Văn Oai cho hay, trước đây công tác DS chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ KHHGĐ. Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, việc chuyển trọng tâm từ công tác DS-KHHGĐ sang DS và phát triển phải thực hiện 6 nhóm mục tiêu gồm kiểm soát mức sinh, cân bằng giới tính, tận dụng DS vàng, thích ứng già hóa DS, phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng DS. Tuy nhiên, một số chính sách về DS cho các đối tượng ưu tiên còn thiếu. Tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác DS chưa ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ còn thấp. Nguồn lực đầu tư cho công tác DS để triển khai đồng bộ các hoạt động DS trên các lĩnh vực quy mô, cơ cấu và chất lượng DS chưa tương xứng với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nghị quyết số 21-NQ/TW đã nêu quan điểm, dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài. Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng trong lĩnh vực DS, ngành DS xây dựng kế hoạch phối hợp về việc tổ chức các hoạt động lồng ghép tuyên truyền về DS và phát triển. Hướng đến triển khai các mô hình truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng do ban, ngành, đoàn thể quản lý và nhóm DS đặc thù…

Bài, ảnh: BẢO HÒA

Tin liên quan