Truy cập nội dung luôn
SỞ Y TẾ

TỈNH QUẢNG NGÃI

Bộ Y tế ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 2.0

30/01/2020 11:45    238

Ngày 30/12/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 6085/QĐ-BYT ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 2.0

Ngày 31/12/2015, Bộ Y tế đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 1.0. Sau 03 năm thực hiện, Bộ Y tế tiếp tục cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế tại Quyết định số 7672/QĐ-BYT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 1.0.


1. Một số kết quả về ứng dụng công nghệ thông tin y tế

Thực hiện Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 1.0, Bộ Y tế đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin trong toàn ngành và đã đạt được một số kết quả quan trọng.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin y tế Ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin, hình thành hành lang pháp lý để chuyển đổi số trong ngành y tế, bao gồm: Thông tư quy định về hoạt động y tế trên môi trường mạng; Thông tư về hoạt động y tế từ xa; Thông tư quy định Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở khám, chữa bệnh; Thông tư quy định Hồ sơ bệnh án điện tử. Bộ Y tế là cơ quan đầu tiên có một thông tư tương đối đầy đủ để chuyển đổi số hóa cho hoạt động của một đơn vị cụ thể.
Nhiều năm liền, Bộ Y tế được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, xếp hạng 1 về xây dựng cơ chế, chính sách.
  - Ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện
Bộ Y tế chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, đến nay 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện (HIS);  nhiều bệnh viện đã ứng dụng hồ sơ bệnh án điện tử, một số bệnh viện đã công bố sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thể thay hồ sơ bệnh án giấy (như bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng, Đa khoa khu vực An Giang, Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Đa khoa thành phố Vinh, Sản nhi Quảng Ninh),  có 20 bệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo vệ môi trường, tạo nguồn tài nguyên số bệnh viện. 
- Thực hiện thành công kết nối các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kết nối liên thông giữa cơ sở khám chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội thành công, góp phần thực hiện giám định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế điện tử. Đến nay đã kết nối liên thông giữa 63 Sở Y tế, 63 cơ quan Bảo hiểm xã hội, 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

- Ứng dụng CNTT trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe
Hồ sơ sức khỏe là tài liệu y tế ghi lại quá trình chăm sóc sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế.
Trong thời gian vừa qua,  Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử và tiến hành xây dựng triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe tại một số tỉnh như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Dương, Lâm Đồng, Nam Định, Thái Bình, Phú Thọ, ...
Bộ Y tế cũng đã triển khai phần mềm tiêm chủng mở rộng trên cả nước, đã có trên 6,2 triệu đối tượng tiêm chủng được quản lý; ngân hàng thuốc điện tử; cổng dữ liệu bản đồ số các cơ sở y tế Việt Nam; các ứng dụng trên điện thoại thông minh (apps) hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng,…

- Ứng dụng CNTT trong quản trị y tế
Bộ Y tế đã tổ chức khai trương, đưa vào triển khai thực tế Cổng dịch vụ công Bộ Y tế ngày 13/11/2019, thí điểm thực hiện kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với 03 TTHC về trang thiết bị y tế.
Đến nay, Bộ Y tế đã triển khai được 67 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (60 dịch vụ mức độ 4 đạt tỷ lệ 16.3%).
Hệ thống thống kê y tế điện tử: 35/63 tỉnh/thành phố đã được tập huấn sử dụng phần mềm; 27 tỉnh/thành phố đã nhập số liệu chính thức vào phần mềm (baocao.tkyt.vn)

- Một số ứng dụng khác
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện nhiều ứng dụng trong ngành như: Hệ thống kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc; Hệ thống quản lý thông tin bệnh không lây nhiễm; Hệ thống quản lý số liệu người nhiễm HIV/AIDS và tử vong do AIDS nhằm mục đích cung cấp các công cụ phần mềm để quản lý giám sát đảm bảo chất lượng số liệu, phần mềm đã triển khai trên toàn quốc; Hệ thống quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin số liệu chuyên ngành DS-KHHGĐ phục vụ yêu cầu quản lý và điều hành chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ tại các cấp quản lý, các ngành liên quan góp phần xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

2. Khó khăn, tồn tại

- Kinh phí hàng năm dành cho công tác ứng dụng CNTT ở Cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc còn hạn chế. Chưa ban hành được quy định giá thành CNTT được tính vào giá thành dịch vụ khám chữa bệnh.
- Cơ chế thuê dịch vụ hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ chuyên ngành nên việc thẩm định phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ cho các đơn vị thuộc còn gặp nhiều khó khăn (khó xác định giá thuê, khó khăn trong đấu thầu thuê dịch vụ CNTT, đơn vị đã làm thí điểm trước khi tham dự thầu có tạo lợi thế đấu thầu không?).
- Còn tình trạng cát cứ dữ liệu, thiếu chia sẻ dữ liệu, tự xây dựng hệ thống riêng dẫn đến các hệ thống hoạt động rời rạc, không đồng nhất, thống nhất, số liệu sẽ không chính xác, do việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin của ngành chưa áp dụng triệt để Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế. Mặt khác, khung Kiến trúc này cũng bộc lộ một số tồn tại như các mô hình tham chiếu còn thiếu, chưa có nội dung An toàn thông tin mạng, chưa cập nhật với định hướng phát triển Chính phủ điện tử của quốc gia, chưa đề cập đến phương pháp tiếp cận kiến trúc, chưa cập nhật một số nội dung về xu thế phát triển công nghệ như Điện toán đám mây (Cloud Computing), Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), chưa thống nhất sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dụng của Đảng và Nhà nước làm hạ tầng truyền dẫn trong CPĐT Việt Nam, …

3. Sự cần thiết phải xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 2.0

Với quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) tại Việt Nam, ngày 28/08/2018 Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia về CPĐT do Thủ tướng Chính phủ làm chủ tịch Ủy ban. Tại phiên họp lần thứ 1, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 2.0 phù hợp với xu hướng phát triển CPĐT trên thế giới và bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ngày 07/3/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025 với mục tiêu hoàn thiện nền tảng CPĐT nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân doanh nghiệp. Trong đó, Chính phủ nêu rõ quan điểm chỉ đạo phát triển CPĐT tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc CPĐT cấp bộ, Kiến trúc CPĐT cấp tỉnh và Chính phủ chỉ đạo hoàn thành cập nhật Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam phiên bản 2.0.
Hơn nữa, để phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế tồn tại, khó khăn khi Bộ Y tế thực hiện Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.0, việc xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế phiên bản 2.0 là rất cần thiết, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và phù hợp với thực tiễn.

4. Một số điểm mới của Kiến trúc CPĐT Bộ Y tế phiên bản 2.0

- Kiến trúc CPĐT phiên bản 2.0 được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số;
- Bổ sung các nguyên tắc xây dựng Kiến trúc CPĐT Bộ Y tế;
- Bổ sung định hướng phát triển CPĐT của quốc gia;
- Bổ sung khái niệm về Kiến trúc CPĐT Bộ Y tế;
- Bổ sung các mô hình tham chiếu;
- Thể hiện rõ mô hình kết nối của CPĐT Bộ Y tế, mô tả tóm tắt các thành phần (bao gồm một số hệ thống lớn tầm quốc gia);
- Cập nhật một số nội dung về xu thế phát triển công nghệ như Điện toán đám mây (Cloud Computing), Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), …
- Thống nhất sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dụng của Đảng và Nhà nước làm hạ tầng truyền dẫn trong CPĐT Việt Nam;
- Bổ sung nội dung An toàn thông tin mạng;
- Bổ sung phương pháp tiếp cận Kiến trúc.
  Thông tin chi tiết về Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Y tế xin vui lòng xem tại:   https://ehealth.gov.vn/Index.aspx?action=Detail&MenuChildID=&Id=4378
 

Xuân Đà

Nguồn: https://ehealth.gov.vn/?action=News&newsId=49910​

Tin liên quan